Sàng lọc ung thư phổi bằng cách nào? | Báo Dân trí

Sàng lọc ung thư phổi bằng cách nào?

Hà An

(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư phổi khi có một số triệu chứng như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp.

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu. 

Sàng lọc ung thư phổi bằng cách nào? - 1

Trước đây việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi không được khuyến cáo vì chụp X-quang phổi và làm tế bào học đờm chưa chứng minh làm giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một tỷ lệ lớn ung thư phổi được phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính là những khối u ở giai đoạn đầu, có tiên lượng tốt. Nó cũng đã được chứng minh làm giảm 20% tỷ lệ do ung thư phổi ở những người hút thuốc nặng được sàng lọc hàng năm trong 3 năm.

Vì thế, bác sĩ khoa Nội 2, Bệnh viện K Trung ương khuyên những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như hút thuốc lâu năm, hoặc với những người đã bỏ thuốc nhưng trong vòng 15 năm trước đó, tuổi 55-74 nên sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi bằng chụp CT ngực liều thấp.

Nếu kết quả sàng lọc có bất thường, bệnh nhân có thể cần phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Dòng sự kiện: Ung thư phổi