Sàng lọc ung thư đại trực tràng cần làm những gì?
Đa số các trường hợp ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đều bắt nguồn từ các polyp đại trực tràng, thời gian trung bình để polyp tiến triển thành ung thư là khoảng 5-15 năm.
Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%; phát hiện ở giai đoạn càng sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Chính vì các triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và không điển hình nên việc sàng lọc để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Các bước khi tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng
Khám và khai thác tiền sử, bệnh sử
Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, bệnh sử của bạn, nếu bạn có càng nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh hay có các biểu hiện bệnh thì nguy cơ ung thư đại trực tràng càng cao.
Thăm khám lâm sàng: Đánh giá tình trạng sức khỏe chung, khám phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ như: khối ở bụng, khối ở hậu môn trực tràng, hạch ở các vị trí cơ thể...
Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT)
Bình thường, trong phân không có máu, khi trong phân có máu thì đó là những gợi ý chỉ dấu bất thường, có thể là ung thư, khối polyp hay loét viêm nhiễm ở đường ruột. Khi ung thư đại trực tràng do đặc điểm ung thư là tăng sinh mạch rất nhiều, các mạch máu dễ bị tổn thương khi có phân đi qua, do đó có thể có máu lẫn trong phân. Máu trong phân nhiều có thể phát hiện qua mắt thường nhưng ít thì rất khó phát hiện. Chính vì vậy, việc nếu có máu trong phân thì việc xét nghiệm sẽ có độ nhạy cao, có giá trị gợi ý để làm các thăm dò khác sâu hơn.
Âm tính: Không có máu trong phân, nguy cơ bị ung thư đại trực tràng rất thấp, không cần phải làm các thăm dò khác, nên xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm.
Dương tính: Có máu trong phân, có vấn đề ở ruột, đặc biệt là ở đại trực tràng như (ung thư, polyp, viêm loét ruột, trĩ...), nguy cơ có thể bị ung thư đại trực tràng cũng cao hơn, do đó, cần làm các thăm khám khác như nội soi đại trực tràng để chẩn đoán.
Xét nghiệm DNA trong phân
Ung thư đại trực tràng hay tế bào polyp thường có DNA đột biến ở một số gene. Các tế bào đột biến này thường có trong phân ở người bị ung thư. Nếu kết quả là dương tính khi tìm thấy DNA đột biến thì nên tiến hành nội soi đại trực tràng để chẩn đoán. Xét nghiệm này nên làm mỗi 3 năm/lần.
Nội soi đại trực tràng
Nội soi đại trực tràng định kỳ ở những người từ 50 tuổi là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa phát hiện sớm ung thư. Mục đích quan sát toàn bộ khung đại tràng và trực tràng thông qua ống nội soi có camera, tiến hành sinh thiết lấy bệnh phẩm nếu có nghi ngờ hoặc tiến hành điều trị loại bỏ polyp khi có chỉ định.
Chụp cắt lớp vi tính đại trực tràng
Chụp cắt lớp vi tính đại trực tràng và tiểu khung, cho phép quan sát các tổ chức bất thường, khối u, ung thư ở đại trực tràng, đánh giá tình trạng xâm lấn khối ung thư so với xung quanh, đánh giá tình trạng hạch ổ bụng nếu nghi ngờ di căn.
BS. Trần
Theo Sức khỏe và đời sống