1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sản phẩm Trung Quốc và những “ám ảnh” về sức khỏe

(Dân trí) - Những thông tin về hoá chất độc hại được tìm thấy trong hàng hoá Trung Quốc ở một số quốc gia xa xôi không khỏi khiến người Việt Nam lo ngại bởi các sản phẩm Trung Quốc “vừa rẻ vừa đẹp” vốn rất được người Việt Nam ưa chuộng.

Kem đánh răng chứa độc tố

 

Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) cho biết họ đã phát hiện 2 loại thuốc đánh răng Mr. Cool và Excel  (xuất xứ Trung Quốc) lưu hành tại Panama, có chứa hàm lượng chất độc tố diethylene glycol gây nguy hại tới sức khoẻ và tính mạng con người. Hàm lượng chất này trong thuốc đánh răng cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép.

 

Trao đổi với TS Hoàng Văn Hoan, phó viện trưởng Viện Hoá học Công Nghiệp, ông cho biết: “Diethylene glycol là loại hoá chất mà Viện vẫn thường xuyên nhập từ nước ngoài về để để sản xuất dầu nhớt xe máy, ô tô và dùng trong chế tạo vật liệu cao phân tử. Loại hoá chất này cực kỳ độc hại và có sức hút ẩm rất nhanh và mạnh nên thường gây bỏng trên da nếu không may dính phải. Bởi vậy, chất này không được sử dụng trong thực phẩm, đưa vào mỹ phẩm càng sai”.

 

Tuy nhiên TS Hoàn cho rằng không có nhà sản xuất nào tại Việt Nam dùng diethylene glycol để cho vào thuốc đánh răng mặc dù dùng diethylene glycol sẽ tạo cho kem đánh răng tan đều, có độ mịn và đông sánh hơn. Thực tế, từ nhiều năm nay, Viện vẫn cung cấp chất sorbitol - một chất tạo ngọt chiếm vài chục phần trăm (tuỳ theo lượng pha chế của mỗi nhà sản xuất) trong thành phần của thuốc đánh răng. Đây là chất có nguồn gốc từ tinh bột.

 

Chăn ga chứa chất ung thư

 

Nếu 2 loại thuốc đánh răng Mr. Cool và Excel là những cái tên xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam thì mặt hàng chăn ga gối Trung Quốc lại cực kỳ quen thuộc bởi ưu điểm “vừa rẻ vừa đẹp”. Tuy nhiên, mới đây loại chăn hiệu Indulgence của hãng Sheridan (Trung Quốc) đã bị nhà chức trách Úc phát hiện có chứa hàm lượng formaldehyde (tên thường gọi là formol) với tỉ lệ cao gấp hơn 10 lần mức cho phép, tức là chứa tới 2.790ppm. Trong khi đó, con người bị nguy hiểm nhất khi tiếp xúc với formol qua đường hô hấp và vì thế, năm 2004, formaldehyde được Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về ung thư chuyển từ nhóm 2A (nhóm chất có khả năng gây ung thư) sang nhóm 1 (nhóm chất gây ung thư).

 

Chất formaldehyde này được dùng để làm mềm, chống nhăn và chống co rút các sợi vải nhân tạo, chủ yếu ứng dụng trong các bộ drap, gối giường ngủ, áo quần trẻ em và đồ chơi bằng vải. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với dư lượng chất formaldehyde trong các sản phẩm từ vải vóc là rất khắt khe. Ví như theo tiêu chuẩn của Mỹ và EU, giới hạn của chất formaldehyde trong chăn ga gối của trẻ nhỏ tối đa là 30ppm, trong quần áo là 330ppm. Tại Nhật thì khắc khe hơn: chỉ được tối đa là 15ppm.

 

Một vấn đề đặt ra ở đây là chất formaldehyde không tan trong nước, trong các hóa chất thông thường (xà phòng giặt, nước xả vải…) và theo thời gian, chất formaldehyde tẩm trong vải sẽ thăng hoa vào không khí, gây nhiễm độc từ từ.

 

Trong khi đó, các sản phẩm từ vải vóc hằng ngày hằng giờ vẫn được nhập “vô tư” vào Việt Nam, không chịu bất kỳ một sự kiểm soát kiểm định nào nên thật khó để tin rằng trong vô vàn các loại vải vóc rực rỡ, chăn ga, quần áo giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc kia, tất cả đều đảm bảo an toàn, không âm thầm hủy hoại sức khỏe của chúng ta?

 

Formol có thể gây những triệu chứng cấp tính qua đường hô hấp như: cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi.

 

Formol gây ngạt thở nếu phổi hấp thu ở nồng độ 1/20.000mlHg trong không khí.

 

Khi tiếp xúc với da, formol là tác nhân gây viêm da, dị ứng, nổi mề đay và là tác nhân làm gia tăng tỷ lệ ung thư xoang mũi, ung thư đường hô hấp đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa...

Những thí nghiệm khoa học cho thấy động vật bị phơi nhiễm một lượng lớn Formol theo đường hô hấp trong thời gian sống của chúng có nhiều dấu hiệu của ung thư mũi và cổ họng nhiều hơn so với các động vật khác.

Formol được Cơ quan bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Viện nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) coi là chất có khả năng gây ung thư ở người, cần hết sức thận trọng khi sử dụng.

Nguồn: Sở KHCN

 

Thu Phương - Thanh Trầm