Sai sót y khoa đoạt mạng hàng triệu bệnh nhân

(Dân trí) - Những sai sót, biến chứng trong quá trình phẫu thuật đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra hàng loạt ca tử vong cho người bệnh. Phẫu thuật sai bệnh nhân, sai vị trí, những thất bại trong các giải pháp an toàn phẫu thuật đang là những sự cố nghiêm trọng nhưng có thể phòng tránh.

Đó là nội dung được Phó giáo sư Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn, TPHCM nêu ra tại Hội thảo chuyên môn diễn ra ở Bệnh viện Bình Dân (ngày 25/9). Theo bà Anh Thư, việc phẫu thuật là phương pháp quan trọng trong y học hiện đại giúp người bệnh có thể thoát khỏi bệnh tật, bình phục sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật cũng luôn tồn tại những rủi ro tai biến, để lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân hoặc dẫn tới tử vong.

Sai sót y khoa đoạt mạng hàng triệu bệnh nhân - 1
Tiệt khuẩn dụng cụ phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Bình Dân

Ước tính trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 281 triệu ca phẫu thuật tương đương với cứ 25 người thì có 1 người phải can thiệp bằng dao kéo. Những sự cố như phẫu thuật sai bệnh nhân, phẫu thuật sai vị trí, phẫu thuật, nhiễm khuẩn vết mổ, biến chứng gây mê… có thể chiếm tới 25% tức là khoảng 7 triệu người gặp sai sót y khoa hàng năm. Các sự cố y khoa đang cướp đi sinh mạng của khoảng 1 triệu người bệnh mỗi năm, trong đó nhiễm khuẩn vết mổ đang ngày càng nguy hiểm khiến bệnh nhân phải kéo dài thời gian nằm viện, phát sinh thêm nhiều chi phí điều trị, nguy cơ tử vong cao.

PGS Anh Thư cho biết, 50% những sự cố y khoa trong phẫu thuật có thể chủ động phòng tránh nếu các bệnh viện tuân thủ 6 mục tiêu an toàn người bệnh (theo JCI); 10 mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về an toàn trong phẫu thuật; áp dụng các nguyên tắc quản lý chất lượng vào an toàn phẫu thuật (Học thuyết Deming). Trong đó, an toàn trong phẫu thuật cho người bệnh phải được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn và kháng kháng sinh trong điều trị dự phòng cho người bệnh, PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Trên thực tế, bệnh viện đã triển khai nhiều phương án nhằm tăng hiệu quả trong phẫu thuật, điều trị, giảm rủi ro cho người bệnh. Tuy nhiên, một số thiếu sót trong sử dụng kháng sinh dự phòng vẫn đang tồn tại và có xu hướng ngày càng gia tăng như chỉ định sai chủng loại kháng sinh dự phòng; sai thời điểm dùng kháng sinh; sai thời lượng dùng kháng sinh.

Sai sót y khoa đoạt mạng hàng triệu bệnh nhân - 2

Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đang là thách thức lớn đối với y tế toàn cầu

Từ thực tế trên, PGS Cẩm Hoàng cho rằng: “kháng sinh dự phòng là rất cần thiết trong ngoại khoa nhưng cần được sử dụng đúng cách. Bác sĩ cần phải làm quen với việc được nhắc nhở về sử dụng kháng sinh. Cần phải tuân thủ quy trình giúp quản lý sử dụng kháng sinh dự phòng và kháng sinh nói chung trên cơ sở tăng cường trao đổi thảo luận, báo cáo những trường hợp khó giữa bác sĩ phẫu thuật viên với ban phác đồ”.

Để tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo an toàn người bệnh trong bối cảnh nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, vi khuẩn đề kháng kháng sinh đang là vấn đề thách thức của y tế toàn cầu, bệnh viện Bình Dân đang thực hiện nhiều chiến lược trong đó chú trọng đến việc tiệt khuẩn.

TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Bệnh viện đã đầu tư chiến lược nhằm nâng cao kiểm soát nhiễm khuẩn, từ đào tạo nguồn nhân lực cho đến xây dựng và chuẩn hóa các quy trình và trang bị những thiết bị hiện đại. Trong đó, Bệnh viện đã ứng dụng phương pháp tiệt khuẩn nhiệt độ cao bằng hơi nước, cho phép tiêu diệt hơn 1 triệu vi khuẩn với khung thời gian ngắn. Bên cạnh hiệu quả trong tiệt khuẩn, kỹ thuật này còn bảo đảm độ bền của dụng cụ phẫu thuật, đặc biệt là các dụng cụ nội soi tinh vi có đường kính nhỏ. Ngoài ra, cách thức này còn giúp tiết kiệm thời gian và thân thiện với môi trường do sử dụng hơi nước thay cho hóa chất ngâm rửa”.

Vân Sơn