Rùng mình với công nghệ làm rau xanh mướt, quả chín mọng...
Rau xanh và hoa quả rất tốt cho sức khỏe. Nhưng hiện tại không ít các loại rau và hoa quả có lượng hóa chất vượt mức cho phép nhiều lần, nếu sử dụng nhiều loại rau, hoa quả này thì vô tình lại rước bệnh vào người.
Rau xanh xanh mướt
Hiện tại đang vào mùa đỗ quả và các loại rau cải như cải bẹ, bắp cải, cải xanh, cải thảo, cải chíp... Đây là những loại rau mà nhiều người thích ăn. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, nên các loại đỗ, rau cải thường có nhiều sâu trong khi trồng, nên người trồng rau thường phun thuốc trừ sâu, phân đạm để diệt sâu. Nếu phun thuốc cho rau đúng liều quy định và phải sau mấy ngày phun thuốc mới được thu hoạch thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng do nhiều người trồng rau vì hám lợi nên rau vừa phun thuốc hôm trước, thì hôm sau họ đã mang đi bán, chính họ cũng bị ngấm hóa chất. Còn người mua cứ thấy rau xanh mướt, bắt mắt là mua.
Dưa chuột cũng là một trong những loại rau được phun nhiều thuốc trừ sâu nhất. Nhìn những quả dưa chuột bóng mượt, xanh rờn trông rất bắt mắt bày trên các sạp hàng rau, nhiều người nội trợ đã bỏ tiền mua mà đâu có biết hóa chất vẫn còn dính trên đó. Hoặc hiện tại đang là mùa đông, nhưng khi đến các chợ dân sinh của Hà Nội, mọi người vẫn mua được những mớ rau muống xanh mơn mởn. Ngoài ra còn nhiều loại rau khác đều phải “đồng hành” cùng hóa chất để trông bắt mắt, dễ tiêu thụ.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành kiểm tra 50 mẫu rau ăn sống (xà lách, rau mùi, húng và rau diếp), thì có 29 mẫu rau (chiếm 58%) phát hiện có dư lượng hóa chất, 42% mẫu rau phát hiện có kim loại nặng vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng nếu sử dụng loại rau này trong một thời gian dài sẽ bị nhiễm bệnh.
Trên thị trường còn rất nhiều loại rau của Trung Quốc trái mùa, như hoa lơ, rau bắp cải xanh cuốn khá chặt. Người bán hàng bảo đó là rau Đà Lạt, nhưng thực chất đó là của Trung Quốc để đến cả tuần vẫn xanh, tươi. Hoặc khoai tây của Trung Quốc đã được các thương lái nhập thẳng về Đà Lạt, rồi dùng đất đỏ bao thành một lớp áo bên ngoài củ rồi đặt tên cho nó là khoai tây Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng và bán được lãi nhiều hơn. Đặc biệt, loại khoai tây này để vài tháng trời trong kho cũng không hỏng, điều này đồng nghĩa với việc khoa tây có hóa chất.
Nếu mọi người ăn phải các loại rau xanh như trên với dư lượng thuốc trừ sâu đọng lại quá nhiều thì rất dễ bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt, đau đầu và đi ngoài. Hiện tại, để mua được rau không có hóa chất tại các chợ quả là khó, nên nhiều gia đình đã phải ngâm rau trong nước muối, hoặc thuốc tím rồi rửa kỹ để giảm bớt hóa chất trong rau. Nhưng theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, khi rau, củ quả đã ngấm hóa chất thì việc sử dụng nước rửa rau quả, hay ngâm muối… chỉ loại bớt được một phần nào đó chất độc hại.
Giá đỗ, rau mầm và măng… đều có hóa chất
Giá đỗ là một loại rau khá nhiều chất dinh dưỡng, ngon và được sử dụng nhiều trong những món ăn hàng ngày và một số món đặc sản được ưa chuộng. Nếu giá đỗ bán ở các chợ trước đây thân thường gầy, màu trắng đục và nhiều rễ, thì mấy năm trở lại đây giá đỗ có thân mập, trắng hơn và gần như không có rễ. Mấy tháng trước đây, bất ngờ kiểm tra 50 mẫu giá đỗ sống tại nhiều chợ dân sinh, Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện có 40% mẫu giá đỗ chứa E.coli, Salmonella vượt mức giới hạn cho phép. E.coli, Salmonella là những vi khuẩn gây ra các bệnh về đường ruột.
Khi kiểm tra 530kg măng khô vừa thu giữ, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện măng khô được sấy qua lưu huỳnh. Lượng lưu huỳnh trong măng khô đã vượt cả trăm lần tỷ lệ cho phép. Tại 2 cơ sở sấy măng ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã thu giữ 118kg lưu huỳnh. Tiếp đó đã thu giữ 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Măng khô hay măng tươi được xử lý bằng lưu huỳnh có thể để nhiều tháng không bị hỏng, mà còn tạo màu vàng đẹp, đồng thời có tác dụng ngăn chặn nấm mốc. Nếu lượng lưu huỳnh lớn, sử dụng ở nồng độ cao thì sẽ có thể gây tổn thương cho phổi, mắt hay các cơ quan khác, cản trở sự hô hấp, thậm chí gây nhiễm độc máu.
Hoa quả chín đẹp, tươi lâu…
Khi những người nội trợ chưa hết ngỡ ngàng về thông tin chuối tiêu xanh cắt cả buồng mang về rồi hòa một loại thuốc của Trung Quốc vào nước, sau đó phun đều lên buồng chuối rồi ủ kín, khoảng 2 ngày sau mở ra chuối đã chín vàng. Thì mấy ngày gần đây, mọi người lại càng sửng sốt bởi có thông tin các thương lái buôn đu đủ xanh về, rồi dùng hóa chất nhỏ trực tiếp lên phần cuống của từng quả đu đủ và bọc báo lại. Sau 1 ngày đu đủ đã chín vàng, trông bắt mắt, chúng được chở đến các chợ đầu mối của TP Hà Nội để bán.
Tương tự như vậy, hồng xiêm xanh hái trên cây xuống có màu đen, nhưng sau khi được nhuộm qua một chút nước bột màu vàng thì sẽ vàng đẹp, bóng bẩy, người mua cứ nhầm tưởng đó là hồng xiêm già. Nhưng họ đâu biết, bột màu vàng để nhuộm hồng xiêm đó là bột sắt, một loại màu công nghiệp được dùng để sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su, mực in... Khi chất này tích lũy trong cơ thể người sẽ gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da và ung thư bàng quang.
Lâu nay, hoa quả Trung Quốc tràn ngập trên thị trường Hà Nội và các tỉnh. Hầu như các sạp hoa quả nào cũng có táo, nho, lê, dưa vàng, lựu… Người bán hàng bảo đó là hoa quả của Thái, New Zealand, Australia hoặc Mỹ… nhưng thực chất đó là hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Tháng 9/2012, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra, giám sát các lô hàng hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc về một số cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai đã phát hiện mẫu quả mận tươi có chứa dư lượng carbendazim và mẫu quả lựu có chứa hoạt chất tubeconazole cùng carbendazim. Bên cạnh đó còn có 2 mẫu nho tươi cũng có chứa dư lượng difenoconazole…
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, qua kiểm nghiệm đã phát hiện các mẫu hoa quả như mận, lựu, nho tươi đều có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép từ 1,5 đến 5 lần. Trong số hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc, thì nho tươi là mặt hàng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất. Theo cơ quan chức năng, mặc dù các hóa chất có trong hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc không gây ung thư, nhưng nếu sử dụng nhiều thì sẽ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến đường ruột, tiêu hóa và về lâu dài lượng hóa chất này tích tụ trong cơ thể mọi người, gây hỏng gan và thận.
Cũng theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật, người tiêu dùng không nên sử dụng rau, hoa quả trái mùa, trông quá bóng mượt, màu sắc không tự nhiên để hạn chế hóa chất, nhất là những rau, hoa quả trái mùa. Hy vọng qua những thông tin trên, những người nội trợ thông thái hãy thận trọng khi chọn mua rau xanh, hoa quả để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình.
Theo Vĩnh Hà
Petrotimes