1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Rùng mình trước công thức tạo màu miến bằng hóa chất độc hại ở Cự Đà

(Dân trí) - Làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội từ lâu nổi tiếng với nghề làm miến dong. Nhìn những phên miến vàng óng, ít ai có thể ngờ được, đằng sau đó lại ẩn chứa nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm với công nghệ sản xuất vô cùng độc hại.

Dừng chân tại một quán nước ven đường, phóng tầm mắt ra bên kia bờ sông Nhuệ nơi có những xưởng miến đang vận hành, điều dễ dàng nhận thấy là miến được trải đều ra phên, rồi phơi ngay cạnh con sông màu nước đen kịt, rác rưởi xung quanh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hỏi một người dân trong làng, chị giải thích: “Nếu không phơi ở đó thì phơi ở đâu, bờ sông là địa điểm lý tưởng, rộng rãi không bị che khuất bởi cây cối nên phơi ở đó miến dễ khô hơn”.
Hàng tấn miến ở làng Cự Đà được phơi hai bên bờ dòng sông Nhuệ nước đen kịt mỗi ngày
Hàng tấn miến ở làng Cự Đà được phơi hai bên bờ dòng sông Nhuệ nước đen kịt mỗi ngày

Dạo quanh các cơ sở sản xuất, ấn tượng đầu tiên bị ám ảnh là mùi chua chua, ngai ngái từ những bể bột dong giềng bốc lên tại các xưởng. Đó còn chưa kể đến mùi hôi thối, xú uế, bốc lên từ những cống rãnh đen ngòm, do ứ đọng chất thải nhiều ngày không được xử lý đúng quy trình.

Theo chân một người quen chúng tôi có dịp tiếp cận đến một số xưởng làm miến. Bên trong mỗi xưởng có 4 - 5 thùng phuy to, do không được vệ sinh nên xuất hiện nhiều vết gỉ, trên thành là những mảng đen vón cục. Từng mảng bánh đa từ ngoài ngõ được kéo vào nhà, cắt thành từng đoạn dài rồi dùng máy cắt miến thành sợi. Cách đó không xa một người phụ nữ bê nguyên đôi chân đang đi dép giẫm mạnh lên đống miến, vần qua vần lại một lúc rồi mới bó thành những bó nhỏ.
Hoặc được phơi trên miệng cống nước thải hôi thối nồng nặc
Hoặc được phơi trên miệng cống nước thải hôi thối nồng nặc
Hoặc được phơi trên miệng cống nước thải hôi thối nồng nặc

Đến làng miến Cự Đà, điều chúng tôi quan tâm nhất là công nghệ tạo màu để cung cấp ra thị trường loại miến có màu vàng ruộm, thứ màu sắc khác biệt hẳn so với những loại miến được sản xuất ở các tỉnh lân cận Hà Nội.

Theo công thức truyền thống, để miến có màu vàng ruộm, miến cần được nhuộm bằng mật mía. Sau khi đun đen và sánh giống kẹo đắng sẽ hòa với nước và đổ vào bột, khuấy đều lên rồi chế biến thành miến. Tuy nhiên, thời gian gần đây các đã không còn sử dụng công thức nhuộm bằng mật mía.

Miến ở Cự Đà bây giờ không chỉ có màu vàng, mà sẵn sàng đáp ứng đầy đủ màu sắc theo đúng yêu cầu của khách hàng. Người thích màu vàng sẽ có màu vàng, màu xanh có màu xanh và muốn để nguyên màu ban đầu là màu xám cũng sẽ đáp ứng.
Loại hóa chất được các xưởng dùng tạo màu cho miến
Loại hóa chất được các xưởng dùng tạo màu cho miến

Quá trình điều tra, PV Dân trí phát hiện, chất được các xưởng sản xuất miến sử dụng tạo màu cho miến là loại hóa chất màu nâu đen, với hàm lượng sắt cao để tạo màu cho miến vừa nhanh, lại không tốn kém nhiều kinh phí.

Thông qua một người quen, chúng tôi có ngỏ ý mua 1 lạng bột sắt dùng làm thí nghiệm cho học sinh. Không đề phòng và dè chừng, chủ xưởng có bán cho tôi 1 bọc nhỏ và không quên căn dặn: “Cho ít thôi, đi găng tay cẩn thận, nếu dính ra tay khó rửa lắm”.

Cầm bọc bột sắt mua được, đem cho 1 nhúm nhỏ vào cốc nước trắng, lập tức cốc nước đổi sang màu đỏ thậm chí còn lắng cặn dưới đáy. Tìm hiểu thêm, nguồn bột sắt là có người mang đến tận nơi cho các xưởng miến, hoặc các xưởng cho người lên chợ Đồng Xuân mua.
Khi cho hóa chất vào nước, nước lập tức chuyển thành màu đỏ và rất khó rửa nếu dính ra tay
Khi cho hóa chất vào nước, nước lập tức chuyển thành màu đỏ và rất khó rửa nếu dính ra tay

Để làm rõ nguồn cung cấp bột hóa chất này, chúng tôi tìm đến chợ Đồng Xuân và phố Hàng Khoai mua bột sắt. Sau một vòng dạo quanh khu bán đồ khô, chúng tôi hỏi mua được 1 lạng bột hóa chất có màu sắc tương tự như gói bột mua ở làng miến Cự Đà. Khi giao hàng, người bán cũng không quên nhắc nhở tránh để dính vào tay vì chất này rất khó rửa.

Giống nhưa gói bột mua ở Cự Đà, khi nhúng vào nước, hóa chất mua trong chợ Đồng Xuân lập tức chuyển sang màu đỏ. Nếu vô tình dây ra tay hoặc ra bàn ghế lau rất khó sạch, thậm chí có cọ bằng xà bông. Dính ra tay đã vậy, không hiểu khi bột hóa chất này được dùng tạo màu cho miến sẽ còn nguy hại thế nào nếu ngấm vào cơ thể?.

Mang mẫu 2 gói hóa chất màu nâu đen mua ở Cự Đà và chợ Đồng Xuân, cùng 200g miến mua tại Cự Đà đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia - Bộ Y Tế xét nghiệm, PV Dân trí không khỏi rùng mình khi kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng sắt trong 2 gói hóa chất đều ở mức rất cao.
Kết quả xét nghiệm hàm lượng sắt trong gói hóa chất mua ở chợ Đồng Xuân
Kết quả xét nghiệm hàm lượng sắt trong gói hóa chất mua ở chợ Đồng Xuân
Theo mẫu kết quả kiểm nghiệm do bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia ký ngày 10/5/2013, mẫu bột hóa chất mua ở chợ Đồng Xuân có hàm lượng sắt 16,4 mg/100g; Hàm lượng sắt trong mẫu bột mua ở Cự Đà là 14,6 mg/100g.
Kết quả xét nghiệm hàm lượng sắt trong gói hóa chất mua ở Cự Đà
Kết quả xét nghiệm hàm lượng sắt trong gói hóa chất mua ở Cự Đà

Đối với mẫu miến màu vàng mua ở Cự Đà, phiếu kết quả xét nghiệm hàm lượng sắt trong miến cho ra mức 4,8mg/100g. Theo lời một cán bộ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, hàm lượng sắt 4,8mg/100g miến là chỉ số quá cao đối với thực phẩm dùng hàng ngày, nếu ăn phải sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường về sức khỏe.

Theo lời PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội: Các loại bột sắt là sản phẩm phổ biến dùng trong lĩnh vực xử lý bề mặt và mài mòn đánh bóng của ô tô, ngành hàng không, máy móc, nhựa, giày, da, gỗ, sản phẩm ngũ kim và các loại sản phẩm điện tử cao cấp...
Hàm lượng sắt 4,8 mg/100g miến Cự Đà vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho
Hàm lượng sắt 4,8 mg/100g miến Cự Đà vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép

Bởi vậy, mọi người tuyệt đối không được sử dụng bột sắt công nghiệp làm phụ gia thực phẩm. Nếu sử dụng phải căn cứ vào số hiệu INS-mã số quốc tế về phụ gia thực phẩm in trên bao bì để biết chất này có được phép sử dụng hay không. Những loại không có ký hiệu INS trên bao bì đều là hàng trôi nổi, không được phép sử dụng.

Với những kết quả xét nghiệm nêu trên, có thể thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở làng miến Cự Đà đang ở mức đáng lo ngại. Làm thế nào để vừa ngăn chặn việc sử dụng hóa chất độc hại tạo màu cho miến theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, lại vẫn phát triển được làng nghề? Đó là câu hỏi mà các cơ quan chức năng TP. Hà Nội cần phải sớm tìm ra lời giải!.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Bài, ảnh: Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Nguyễn Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm