1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rợn người với lò mổ tiêm thuốc ngủ, bơm nước vào heo

Để kiếm lời bất chính, các thương lái bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, đã tiêm thuốc ngủ, bơm nước vào heo để tăng trọng biến “heo lành” thành “heo độc”. Phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập một lò giết mổ heo với số lượng hơn 100 con mỗi ngày tại huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), để phanh phui thủ đoạn này.

Phục kích

Nguồn tin từ bạn đọc phản ánh với chúng tôi: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện thịt heo có dấu hiệu bị ngấm nước, khi nấu nướng, thịt heo ra nước một cách bất thường, nhiều khả năng là trước khi giết mổ, heo đã được người mổ bơm nước vào. Xâu chuỗi các thông tin thu thập liên tục từ người dân cung cấp, chúng tôi nắm bắt được một thông tin quan trọng: Thịt heo tại một số cửa hàng ở thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu được nhập từ lò mổ của ông Bùi Ngọc Quy thuộc huyện Châu Đức có những dấu hiệu bị bơm nước.

Mỗi ngày, lò mổ này xuất lò cả trăm con heo chia đi cung cấp thịt heo cho các đầu mối cung cấp heo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lò mổ này nằm trên tuyến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (thuộc tổ 3, ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, H.Châu Đức) được bao bọc xung quanh bởi rừng cây và hàng rào lưới B40. Toàn bộ cơ sở giết mổ gia súc nằm sâu khoảng 100m so với mặt đường nhựa được phân thành từng khu riêng; nằm sát mép tường phía góc phải lò mổ và được phân ra từng ô nhỏ là nơi nhốt heo trước khi đem xuất bán; ở giữa là khu giết mổ và cung cấp nước, còn lại là lối đi. Toàn bộ cả khu đất bọc bởi hàng rào, cổng sắt và một đàn chó lên gần cả chục con làm nhiệm vụ cảnh giới.

Ban ngày, chúng tôi giả làm người bán dao để tiếp cận lò mổ. Đêm đến, chúng tôi leo lên cây rừng bên ngoài lò mổ nằm phục hàng tiếng đồng hồ để quan sát hoạt động bên trong và ghi hình. Bằng cách này, trong nhiều ngày liên tiếp, chúng tôi đã nắm bắt được quy luật hoạt động của lò mổ: Từ buổi sáng, các chủ heo tập trung đánh xe ô tô chở heo được đưa từ các đầu mối bán heo về, nhập chuồng và đánh số thứ tự heo của mình để tránh bị nhầm lẫn. Sau khi heo đã ổn định trong chuồng, buổi chiều các thương lái bắt đầu dùng ống kim tiêm sắt loại lớn, xách tai từng con heo lên rồi chích thuốc cho đàn heo theo số thứ tự đã được đánh sẵn vào buổi sáng.

Khoảng 19h đêm, khi những con heo bị ngấm thuốc trở nên đờ đẫn, thở phì phò, miệng sùi bọt thì những người thợ cao lớn bắt đầu nối ống cao su để thực hiện công đoạn quan trong nhất. Từng đoạn ống cao su nhỏ màu xanh dài được nối với vòi nước lấy từ giếng khoan tại khu trung tâm lò mổ và dẫn tới từng khu chuồng khác nhau. Những con heo đang “phê” thuốc ngủ bị người thợ thọc thẳng ống cao su đang bơm nước vào sâu cổ họng. Mặc dù đã tiêm thuốc gây mê, nhưng khi bị thọc ống sâu vào cổ họng để tống nước vào, những con heo này vẫn kêu inh ỏi khắp lò mổ.

Mặc heo kêu, những người thợ vẫn tiếp tục đút vòi bơm nước vào miệng heo. Để tránh rủi ro việc bơm quá nhiều nước có thể làm heo bị ngạt nước, việc bơm nước nhằm tăng trọng lượng heo được tiến hành trong thời gian khá dài, chia làm hai ca, ca một từ 18h - 21h và ca hai từ 21h - 23h. Tới nửa đêm, việc nhồi nước vào heo được các thợ thực hiện xong. Trung bình, mỗi con heo bị bơm nước cả chục lần trước khi bị giết mổ. Sau khi việc giết mổ hoàn tất, một nhân viên thú y trên địa bàn sẽ tới đóng dấu vào từng con heo. Sau đó, heo được chuyển đi các chợ đầu mối và phân phát cho các cửa hàng. Từ những gì chúng tôi ghi nhận được ngay tại lò mổ, có khoảng trên 70 con heo đã xẻ thịt được đưa về thành phố Bà Rịa, 30 con đưa về Vũng Tàu tiêu thụ. Số còn lại sẽ phân phát đến các vùng lân cận.

Một buổi sáng, chúng tôi thâm nhập được vào bên trong lò mổ khi tất cả các thương lái và thợ đều nghỉ làm sau một đêm giết mổ, đem thịt đi tiêu thụ. Mặt nền lò mổ rất bẩn thỉu, mùi hôi thối tiếp tục bốc lên tanh nồng. Phía bên trong, những đoạn ống nước xanh được cắm trực tiếp xuống giếng khoan vẫn còn nằm chỏng chơ. Chúng tôi tìm được mấy vỏ chai thuốc mà cái thương lái đã sử dụng tiêm heo. Trên nhãn lọ thuốc ghi dòng chữ “Prozil” đã hoen màu. Đây là một loại thuốc an thần dùng trong phẫu thuật gây mê. Thuốc này được pha thêm với một lượng nước lọc nhất định và tiêm vào tai heo. Theo người trong nghề, tiêm thuốc này vào heo sẽ để lại dư lượng thuốc lớn và gây hư hỏng một số bộ phận của heo sau khi giết mổ và không thể sử dụng được.

Rợn người với lò mổ tiêm thuốc ngủ, bơm nước vào heo - 1
Loại thuốc mà họ sử dụng có tên “Prozil” thu giữ được

 

Rợn người với lò mổ tiêm thuốc ngủ, bơm nước vào heo - 2
Bên trong lò mổ heo rất bẩn thỉu và hôi hám. Ảnh: H.A.C

 

Người tiêu dùng ăn “thuốc độc” từ thịt heo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Bùi Ngọc Quy thực chất chỉ đứng tên trên giấy tờ, thực tế việc giết mổ tại đây được điều phối của 6 - 8 thương lái buôn heo trên địa bàn huyện. Hàng ngày, các chủ heo sẽ gom heo từ các nơi và tập trung tại đây. Việc giết mổ, bơm nước sẽ do một nhóm thợ chuyên giết mổ thực hiện. Tiền công giết mổ được tính theo số lượng heo giết mổ trong ngày hôm đó (khoảng 25.000 đồng/con). Ngoài ra, thợ ở đây còn được các thương lái trả lương theo tháng.

Mỗi ngày lò heo mổ và bán ra thị trường khoảng 80 - 120 con heo, tương đương 7 - 8 tấn heo thịt được tung ra thị trường cung cấp cho người dân trong tỉnh. Ước tính toán sơ bộ, nếu một con heo nặng khoảng 100kg, không bơm nước thì sẽ cho ra sản phẩm khoảng 70 - 72 kg thịt. Tuy nhiên, nếu bơm khoảng 10 lít nước, sản phẩm thịt nặng lên thêm 5kg... nước. Tính với giá thị trường hiện nay, số tiền bất chính mà các ông chủ thu về từ việc bơm nước là 250.000 đến 300.000/con heo. Mỗi ngày, lò mổ đưa ra thị trường cả trăm con heo đã được bơm nước, tính sơ sơ mỗi tháng cơ sở giết mổ này sẽ thu về thêm số tiền hàng trăm triệu đồng.

Để kiểm chứng những gì điều tra được, chúng tôi cung cấp những thông tin, hình ảnh thu thập được với Chi cục thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phân tích. Sau khi xem clip, ông Trần Văn Trai - Trưởng phòng thú y, khẳng định: “Hành động trong clip là hành vi bơm nước vào heo, chứ không phải cho heo uống nước!”. Ông Trai khẳng định, đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, đồng thời làm cho thịt gia súc dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất độc hại từ nguồn nước, dụng cụ bơm nước gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt theo quy định của nhà sản xuất, trước khi giết mổ phải ngưng sử dụng thuốc 7 ngày. Nếu người tiêu dùng ăn phải những thực phẩm này thì không tốt cho sức khoẻ, và có nguy cơ mang mầm bệnh khi sử dụng lâu dài. Trên thực tế, chính vì những đồng tiền bất chính mà các thương lái tại lò mổ này đã bất chấp tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi sau khi tiêm thuốc chừng vài tiếng, heo bị xẻ thịt được phân phối ngay ra ngoài thị trường đến với tay người tiêu dùng. Dư lượng thuốc Prozil còn tồn tại trong thịt heo biến “heo lành” thành “heo độc” là điều tất nhiên.

Theo ông Trai, năm 2014, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử lý 1 trường hợp bơm nước vào bò. Lãnh đạo chi cục thú ý tỉnh này cũng thừa nhận, hiện nay trên địa bàn có tình trạng bơm nước, qua thông tin từ người dân, chi cục đã nắm bắt được tình trạng này và đã có công văn báo cáo lãnh đạo sở. Đồng thời, chỉ đạo các trạm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Hiện chi cục đang phối hợp với cơ quan chức năng như PC49 - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiến hành điều tra, làm rõ. Khi chúng tôi đặt vấn đề có nguồn tin cho rằng, một số cơ quan, cán bộ thú y làm ngơ cho việc bơm nước vào heo, buông lỏng công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn, lãnh đạo Chi cục khẳng định, không có vấn đề làm ngơ hoặc bao che trong việc này, có chăng thì chỉ là vấn đề làm chưa tới. “Việc tiêm thuốc, bơm nước vào heo trước khi giết mổ là việc làm bất chính cần phải được lên án mạnh mẽ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng tới những người kinh doanh heo sạch trên địa bàn” - ông Trai nhấn mạnh.

Ông Trai cũng cho rằng, để phát hiện heo bị bơm nước sau khi mổ, hiện vẫn chưa có quy chuẩn để phát hiện heo có bị tiêm thuốc, bơm nước hay không. Vấn đề này, các cơ quan chức năng vẫn đang xem xét, đánh giá.

Theo Lê Ngân - Hà Anh Chiến
Lao động