1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rơi nước mắt những ngày ngực mẹ căng tròn mà con không thể bú

(Dân trí) - Ôm con gái nhỏ 22 tháng tuổi trong lòng, chị Thảo hồi hộp chờ đợi ngày con được lên bàn mổ sửa chữa dị tật khe hở môi, vòm miệng. Từ khi sinh, bé không thể ngậm ti mẹ vì dị tật này. Có những lúc con đói, mẹ chưa kịp vắt sữa, con thì sà vào lòng mẹ nhưng không thể bú, cả hai mẹ con đều oà khóc.

Có mặt tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương 2 ngày hôm nay, chị Thảo hồi hộp chờ đến giờ đưa con lên bàn mổ sửa chữa dị tật khe hở môi, vòm miệng. 

Chị kể, khi mang thai được 6 tháng, qua siêu âm bác sĩ phát hiện bé có dị tật khe hở môi, vòm miệng, động viên chị sau này sinh con ra sửa chữa bé phát triển như bình thường. Dù được động viên vậy nhưng chị vẫn không khỏi lo lắng.

Rơi nước mắt những ngày ngực mẹ căng tròn mà con không thể bú - 1

Khi sinh ra, con không thể mút ti mẹ dù chị tập cho bé mọi cách. "Có những lúc sữa về ngực căng tròn mà con không thể mút ti, mẹ chưa kịp vắt sữa, cả hai mẹ con đều khóc", chị Thảo chia sẻ.

Khi con được 8 tháng, chị đưa con đi phẫu thuật nhưng bé bị men gan cao, trải qua thời gian dài điều trị hiện giờ mới ổn định.

"Giờ con em 22 tháng tuổi rồi, em mong con được phẫu thuật thành công, để con kịp ti mẹ trước ngày cai sữa", chị Thảo nói.

Chị Thảo rất lo bởi để đủ điều kiện phẫu thuật, trẻ không ốm, sốt nhưng với những trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng rất hay bị các bệnh lý hô hấp. Không ít trẻ lên bàn gây mê rồi, bác sĩ kiểm tra nhiệt độ bị sốt lại không thể phẫu thuật, phải chờ đợi đợt sau.

Cũng chung cảnh ngộ có con bị dị tật khe hở môi, vòm miệng, bé Khánh Linh (9 tháng tuổi, Phú Thọ) xinh xắn nhưng có dị vật vùng môi khác biệt.

Mẹ Khánh Linh mong con được phẫu thuật trở về như những đứa trẻ bình thường. Dù con chưa biết cảm nhận, nhưng mỗi lần khi mọi người chỉ trỏ, bàn tán về dị tật của con, chị thương con như đứt từng khúc ruột. Chị mong con được phẫu thuật sớm, môi, miệng trẻ trở lại như bình thường để lớn lên con không tủi thân với bạn bè.

Bé Lê Minh Hiếu 7 tuổi ở Thanh Hóa cũng được mẹ đưa đến viện từ sáng sớm để làm thủ tục chuẩn bị cho ca mổ lần thứ 2. Ở lần mổ trước con đã giải quyết được phần hở môi bên ngoài nhưng phần vòm miệng chưa triệt để nên con nói không được tròn tiếng.  "Con lớn rồi nên hay thắc mắc, sao con lại bị sứt môi, rồi sao giọng con không rõ như giọng các bạn, tôi chỉ biết động viên con bác sĩ vá lại rồi con sẽ khỏi", chị Thuỳ, mẹ bé Hiếu nói.

PGS.TS Trần Cao Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, trong tháng 11, bệnh viện sẽ phẫu thuật miễn phí cho gần 100 trẻ dị tật khe hở môi, vòm miệng. 

Đây là hoạt động Tháng phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị hở môi - vòm miệng do Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phối hợp Hội phẫu thuật tạo hình Hàm Mặt Hàn Quốc tổ chức.

Các bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn  được miễn 100% chi phí phẫu thuật đóng khe hở môi, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ một phần chi phí đi lại ăn uống trong thời gian điều trị

Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ sinh ra mắc dị tật hở môi và hở vòm miệng. Phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật sẽ giúp các bé phục hồi chức năng bú, nhai - cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này.

Trước đó, năm 2018, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã tổ chức nhiều đợt phẫu thuật nhân đạo tại bệnh viện và các địa phương. Gần 1.000 trẻ em khuyết tật môi - miệng đã được phẫu thuật an toàn.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm