1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rối loạn tiêu hoá lặp lại, bệnh gì?

(Dân trí) - Con trai tôi 5 tuổi, dù tôi cho cháu ăn uống đảm bảo vệ sinh, rất kiêng khem với những đồ ăn lạ… nhưng con tôi rất hay bị rối loạn tiêu hoá.

Bé thường có biểu hiện ăn kém, bồn nôn và rất hay tiêu chảy. Tôi đã thử cho cháu dùng nhiều loại men tiêu hoá, nhiều loại thuốc nhưng bệnh thường tái phát. Hơn nữa, bé cũng rất sợ đi đái, mỗi lần đi đái thường hay đái ngắt quãng. Xin hỏi con tôi bị bệnh gì? Lê Thị Tuyết (Yên Lạc - Vĩnh Phúc)

 

TS Nguyễn Văn Bàng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:

 

Trước tiên, chị cần dừng ngay việc cho bé dùng thử quá nhiều loại men tiêu hoá, các loại thuốc điều trị rối loạn tiêu hoá. Việc dùng thuốc bừa bãi khi chưa biết chính xác bệnh có thể gây những biến chứng không tốt cho trẻ sau này.

 

Theo miêu tả của chị, cháu thường rất sợ đi đái và hay bị đái ngắt quãng, đây là một trong những dấu hiệu quan trọng của bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu, là một bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ.

 

Căn bệnh này phổ biến đến mức hầu như ai cũng từng gặp một lần trong đời. Ở lứa tuổi nhỏ, bệnh thường gặp hơn ở bé gái, do ở giới nữ, bộ phận sinh dục và đường tiểu rất gần nhau nên dễ bị nhiễm khuẩn. Nhất là với trẻ em nông thôn, việc các bé gái hay ngồi xệt trên nền đất, đi vệ sinh lau rửa không sạch sẽ là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn đường tiểu.

 

Nhiễm khuẩn đường tiểu còn hay gặp ở những trẻ bị dị dạng đường tiết niệu và ở những trẻ có sức đề kháng yếu, vệ sinh không sạch sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu theo đường ngược dòng.

 

Nhiễm khuẩn đường tiểu có bệnh cảnh lâm sàng rất khác nhau theo từng lứa tuổi, từng thể bệnh. Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ kiểu viêm bàng quang như đái buốt, đái rắt, hoặc thể hiện qua rối loạn tiêu hoá và sốc nhiễm khuẩn rất dễ đánh lừa, nhầm lẫn với các bệnh khác. Con chị có thể là một trường hợp nhiễm khuẩn đường tiểu biểu hiện qua rối loạn tiêu hoá.

 

Với biểu hiện này, trẻ có các dấu hiệu ăn kém, buồn nôn, nôn, tiêu chảy kéo dài lặp lại. Đây là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh quá sốt ruột tự mua thuốc kháng sinh cho con uống, 1-2 ngày không khỏi (hoặc khỏi sau đó tái phát) lại thay loại thuốc khác. Hậu quả của việc tự ý dùng thuốc này là biểu hiện rối loạn tiêu hoá không khỏi và vi khuẩn trong đường tiết niệu không chết do không đủ liều, còn vi khuẩn đường tiêu hoá lại nặng lên. Uống thuốc bừa bãi còn gây tác hại là tiêu diệt vi khuẩn lành gây loạn khuẩn dẫn đến rối loạn tiêu hoá. Quá trình này lặp đi lặp lại rất nguy hiểm, nguy cơ trẻ bị nhờn kháng sinh rất cao.

 

Tốt nhất, chị nên đưa con tới bệnh viện khám để xác định chính xác bệnh, để điều trị tốt nhất và phát hiện những dị dạng đường tiết niệu (nếu có) để hạn chế nguy cơ thấp nhất bị sẹo thận, suy thận không phục hồi.

 

Hồng Hải (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm