Rối loạn tiêu hóa kéo dài cảnh báo mắc ung thư đại trực tràng
(Dân trí) - Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lỵ.
Theo số liệu WHO 2018, ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Mỗi năm ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới, tỉ lệ 13,4/100.000 dân, và khoảng hơn 7000 ca tử vong.
Theo GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, trong những năm qua, ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư phổ biến nhất trên thế giới và tại Việt Nam.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Đã có nhiều người sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Vì vậy, việc phát hiện các dầu hiệu sớm cảnh báo bệnh có vai trò rất quan trọng.
Ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa là một trong số những báo động đỏ.
Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Một số dấu hiệu như đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn nhưng một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột.
Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lỵ.
Tuy nhiên, người mắc bệnh lỵ có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra người bệnh có thể thấy giảm cân bất thường, rối loạn liên quan bài tiết phân, xuất hiện máu trong phân, mệt mỏi, suy nhược…
Hà An