Rối loạn thể xác hóa
(Dân trí) - Đây là biểu hiện của một sự bất thường không có cơ sở cơ - thể - học. Chứng bệnh này thường bắt đầu trước 30 tuổi, và bắt gặp ở nữ nhiều hơn nam và đang ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực hiện nay.
Kiều Loan, một giáo viên tiểu học ở Q. BĐ (HN) suốt 3 tháng nay cứ bị đau bụng và buồn nôn. Dù đã đi khám với nhiều bác sỹ chuyên khoa về tiêu hoá, bệnh của chị vẫn không thuyên giảm. Tưởng là có thai, chị đi kiểm tra, kết quả cũng không như ý nghĩ.
Chỉ đến khi chị đến gặp một bác sỹ chuyên khoa thần kinh, mới chẩn đoán được rằng chị mắc chứng bệnh hysteri. Nguyên nhân sâu xa là chị phát hiện chồng mình ngoại tình hơn nửa năm nay. Dù rất buồn, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng một mình, giữ mối quan hệ bình thường với chồng, để cho không khí trong gia đình được yên ả.
Hoàng Lan, thư ký giám đốc của một công ty TNHH đang có nguy cơ bị mất việc, chỉ vì trong thời gian gần đây cô bị mắc chứng suy giảm trí nhớ một cách trầm trọng, thường thì trong trạng thái lơ mơ, mất định hướng trong hành vi, suy nghĩ và thái độ sống… Chỉ đến khi tìm đến bác sỹ tâm lý, được chuẩn đoán và điều trị đúng, bệnh của Lan mới thuyên giảm.
Theo các bác sỹ chuyên khoa thần kinh và các nhà tư vấn tâm lý, hysteri là biểu hiện một sự bất thường kkhông có cơ sở cơ - thể - học. Nghĩa là, có một định nghĩa y khoa thông dụng hơn cho từ “hysteri” đó là: rối loạn thể xác hoá. Chứng này thường bắt đầu trước tuổi 30, và thường thấy ở nữ nhiều hơn nam.
Triệu chứng của bệnh hysteri thường được biểu hiện như: về thần kinh là nhức đầu, tê liệt, mất trí nhớ, nhìn 1 hoá 2; trong phụ khoa biểu hiện bằng việc đau đớn trong khi giao hợp, đau bụng trong kỳ kinh; và thấy buồn nôn về mặt tiêu hoá.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, các triệu chứng hesteri có thể đơn thuần là gây chú ý, như là cách người phụ nữ cố gắng biểu lộ nhu cầu và cảm xúc của mình, đánh lừa người khác trong nỗ lực gây xúc cảm.
Hysteri cũng rất khó chuẩn đoán và lại dễ tái phát nên người bệnh cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa ngay và nên cảnh giác với các biểu hiện lâm sàng.
Việc trị liệu hysterri của các bác sỹ luôn luôn thông qua liệu pháp tâm lý. Một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa thầy thuốc, chuyên viên trị liệu, gia đình với người bệnh đủ để giải quyết tình trạng trên.
Trong trường hợp quá nghiêm trọng, người bệnh cần phải nhập viện. Bác sỹ có thể kê toa thuốc an thần để trấn tĩnh bệnh nhân trị liệu. Ở một số quốc gia trên thế giới, người ta còn sử dụng liệu pháp thôi miên để tìm hiểu điều phiền muộn đã bị che giấu.
Phương Minh