Rét đậm, rét hại: Đoán bệnh qua màu nước mũi của trẻ
(Dân trí) - Với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ là mục tiêu tấn công hàng đầu của các mầm bệnh, đặc biệt là virus, vi khuẩn đường hô hấp.
Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường.
BSCKI Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây, bệnh lý về nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ tăng cao. Các vấn đề liên quan tới mũi họng được nhiều bậc cha mẹ quan tâm hơn. "Con mình nước mũi màu xanh- vàng có phải là nhiễm vi khuẩn, có phải sử dụng kháng sinh?", là thắc mắc chung của nhiều vị phụ huynh.
"Ở thời điểm hiện tại, gần như không có bất cứ tổ chức chuyên môn nào đưa ra hướng dẫn dựa vào màu sắc nước mũi để phân biệt nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hay do virus. Bên cạnh đó, nhiễm trùng đường hô hấp trên không biến chứng thì không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh ngay lập tức", BS Thi cho hay.
Trẻ chảy nước mũi màu trắng có thể đã mắc bệnh gì?
Khi trẻ ngạt mũi hay tắc mũi, chúng ta có thể nhận thấy nước mũi của trẻ có màu trắng. Trẻ có thể bị viêm - sưng nề các niêm mạc mũi và dịch nhầy trong mũi chảy ra chậm.
BS Thi phân tích: "Việc ngạt mũi sẽ làm mất nước, làm nước mũi trở nên đặc, thậm chí nước mũi trở sang màu đục. Các dấu hiệu này cho thấy, trẻ có thể trong giai đoạn ủ bệnh cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn khác".
Theo chuyên gia này, cảm lạnh thông thường có thể khiến trẻ cảm thấy không khỏe. Các triệu chứng thường sẽ phát triển từ 1 đến 3 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Một đứa trẻ có thể bị nhiều lần cảm lạnh mỗi năm.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau họng
- Tắc mũi
- Ho
- Hắt hơi
- Sốt nhẹ, thường dưới 38 độ
- Nhức đầu nhẹ
Nước mũi màu xanh - vàng có đáng lo?
Theo BS Thi, chất nhầy màu xanh- vàng có thể là dấu hiệu của việc bị nhiễm bất cứ loại virus hoặc vi khuẩn nào.
"Một nhận thức sai lầm phổ biến là nước mũi nhầy màu xanh - vàng là dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm vi khuẩn. Do đó rất nhiều bậc cha mẹ đã sử dụng kháng sinh cho trẻ. trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy", BS Thi nhấn mạnh.
Thậm chí, theo chuyên gia này, việc trẻ bị chảy nước mũi màu xanh - vàng còn có thể là một dấu hiệu tốt. Lúc này, hệ thống miễn dịch đang hoạt động mạnh mẽ để chống lại sự nhiễm trùng. Màu xanh - vàng có thể xuất phát từ các tế bào bạch cầu đang lao vào diệt vi trùng xâm nhập.
BS Thi lý giải: "Trong những tế bào này chứa một loại enzyme có màu xanh lục, và với số lượng lớn, chúng có thể đổi màu chất nhầy. Khi các tế bào đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, chúng sẽ bị loại bỏ trong mũi của trẻ cùng với các chất thải khác và khiến cho nước mũi chảy ra có màu xanh- vàng".
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng có thể thấy, đôi khi trẻ bị chảy mũi trong, nhưng vẫn bị viêm tai giữa, hoặc viêm xoang nặng. Nguyên nhân gây viêm xoang đa phần là do virus, không phải do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, bạn cần sắp xếp lịch đưa trẻ đi khám nếu có các dấu hiệu sau:
- Nước mũi xanh- vàng kèm theo sốt kéo dài 3-4 ngày liên tục.
- Nhức đầu xung quanh hoặc sau ổ mắt, nặng hơn khi cúi đầu.
- Sưng quanh mắt hoặc quầng thâm quanh mắt.
- Trẻ kích thích, khó chịu.
- Nôn ói liên tục.
- Bệnh kéo dài trên 7-10 ngày.
"Đó có thể là các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị viêm xoang do vi khuẩn, hoặc biến chứng khác yêu cầu phải cần đến chăm sóc y tế. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của trẻ nếu bạn thấy lo lắng về vấn đề sức khỏe của trẻ", BS Thi khuyến cáo.