1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rét 8-10 độ C: Cảnh báo đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp

Minh Nhật

(Dân trí) - Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến huyết áp và nhịp tim thay đổi mạnh, là nguyên nhân dẫn đến cơn tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim cấp (do co mạch đột ngột).

Rối loạn chuyển hóa song hành với đột quỵ

Đang ăn cơm, cụ ông 85 tuổi ở Hà Nội bất người bị run tay rồi đánh rơi đũa. Tình trạng nhanh chóng diễn biến nghiêm trọng hơn: Hai chân cụ ông bước không vững, khụy xuống và không thể đi lại. Ngay lập tức ông được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để cấp cứu.

BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, qua thăm khám cụ ông được chẩn đoán bị đột quỵ. May mắn là người nhà đưa đến Bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tổn thương chưa nặng nề. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, cầm nắm.

Rét 8-10 độ C: Cảnh báo đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp - 1

BS Thảo thăm khám cho một bệnh nhân đột quỵ

Cũng theo chia sẻ của BS Thảo, cụ ông này đã mắc tiểu đường gần 30 năm qua. Bệnh nền này là một trong những yếu tố nguy cơ cho đột quỵ.

Một bệnh nhân khác là cụ ông 85 tuổi cũng ở Hà Nội, nhập viện ngày 15/12, trong tình trạng liệt nửa người, nói ngọng. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Theo thông tin từ người nhà, cụ ông có tiền sử tăng huyết áp.

Trường hợp bệnh nhân này nếu không điều trị kịp thời có thể bị ngừng tuần hoàn, nguy hiểm đến tính mạng. Sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, nói chuyện bình thường.

Đây là 2 trường hợp điển hình bị đột quỵ trên nền bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa gây ra (cao huyết áp và tiểu đường).

BS Thảo cho hay: "Hầu như bệnh nhân cao tuổi nào cũng mắc rối loạn chuyển hóa. Có thể nói rối loạn chuyển hóa song hành với đột quỵ".

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ chảy máu não. Bên cạnh đó, tăng đường huyết, tăng acid uric, tăng mỡ máu lại gây cô đặc máu, xơ vữa thành mạch nên làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ ở người có bệnh nền

Người cao tuổi Việt Nam hiện nay có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp. Theo thống kê, hiện tại có tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu và có tỷ lệ khá lớn rất yếu. Mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền, trong đó các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa chiếm tỷ lệ cao.

Rét 8-10 độ C: Cảnh báo đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp - 2

BS Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội)

Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ trong thời tiết giá rét hiện nay, theo BS Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), ngoài tuân thủ điều trị, bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp có thể giảm rủi ro khởi phát cơn tai biến từ chính chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của mình.

- Với bệnh nhân tiểu đường: Ngoài việc giảm đường, hạn chế mỡ, kiêng phủ tạng động vật…, cũng nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Những bệnh nhân sử dụng insulin càng phải chú ý chia nhỏ bữa, để tránh việc hạ đường huyết do dùng thuốc.

- Bệnh nhân cao huyết áp: Cần tuân thủ nghiêm ngặt việc hạn chế muối trong bữa ăn. Việc giảm muối tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong trường hợp cao huyết áp chưa có biến chứng suy tim thì bệnh nhân nên ăn khoảng 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê muối tinh). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã có biến chứng suy tim, khẩu phần muối cần giảm xuống dưới 2g/ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ nguyên tắc chung như: đảm bảo bữa ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng; hạn chế tối đa việc uống rượu bia; đảm bảo mặc ấm; không ra ngoài khi thời tiết quá lạnh; tránh sự thay đổi nhiệt độ hay tư thế đột ngột…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm