Ráo riết kiểm tra, phát hiện thực phẩm bẩn trong dịp Tết Nguyên đán
(Dân trí) - Dịp Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đã lập 8 đoàn thanh tra về thực phẩm tại 24 tỉnh thành trên toàn quốc.
Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATTP do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan thành lập 8 Đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố, trọng điểm bao gồm: Lạng Sơn, Bắc Kanj, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp.
Còn tại mỗi địa phương, tuỳ theo tình hình thực tế địa phương, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các tỉnh, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và giao các Sở: Y tế, NNPTNT, Công thương, sở ngành liên quan chủ trì, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai đợt thanh tra, kiểm tra. Đồng thời phối hợp với các Đoàn thanh tra liên ngành của trung ương tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm về bảo đảm ATTP (nếu có) tại các cơ sở thực phẩm theo kế hoạch của đoàn trung ương.
Theo đó, đối tượng thanh kiểm tra là tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,... các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Ngoài những giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố tiêu chuẩn, nhãn hàng hóa… thì những vấn đề liên quan như nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; quy trình bảo quản thực phẩm, nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm sẽ được kiểm tra giám sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết.
Khi phát hiện vi phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra phải kịp thời xử lý theo đúng quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không nhãn, mác hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm điều kiện ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Ngoài việc xử lý trực tiếp, các đoàn của trung ương có thể chuyển hồ sơ vi phạm cho địa phương (Ủy ban nhân dân hoặc Thanh tra Y tế, Công an, Quản lý thị trường, Thú y, Bảo vệ thực vật, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường ...,) nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định.
Việc thanh kiểm tra sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 10/01/2013 đến ngày 15/02/2013.
Tại Hà Nội, ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, để phục vụ Tết nguyên đán, Chi cục cũng sẽ tập trung giám sát, lấy mẫu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, hoa quả, rượu bia, ô mai xí muội và các sản phẩm từ thịt.
Ông Thọ cho biết, qua giám sát, kiểm tra chung trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hàng thực phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn chiếm 20%. Thông thường, cứ vào vụ cao điểm thì các mặt hàng giả, hàng lậu được trà trộn ra thị trường càng nhiều hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dân không nên mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tú Anh