TPHCM:

Rà soát toàn diện kỹ thuật thận nhân tạo

(Dân trí) - Để tránh nguy cơ “thảm họa” trong chạy thận nhân tạo có thể xảy ra như rủi ro tại tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế thành phố yêu cầu tất cả các bệnh viện công - tư thực hiện kỹ thuật này rà soát, củng cố lại toàn bộ quy trình.

Thận nhân tạo là một trong những kỹ thuật chuyên môn sâu nhưng đã được triển khai phổ biến tại TPHCM để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng lớn của người bệnh. Ngoài những trung tâm thận nhân tạo tại các bệnh viện đầu ngành, kỹ thuật đã được thực hiện tại các bệnh viện tuyến quận huyện, đặc biệt thận nhân tạo đã vươn tới tuyến phường xã với đơn vị đầu tiên tại trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức.

Kỹ thuật thận nhân tạo đã được triển khai trên phạm vi rộng tại TPHCM
Kỹ thuật thận nhân tạo đã được triển khai trên phạm vi rộng tại TPHCM

Sau sự cố xảy ra tại tỉnh Hòa Bình khiến 18 người chạy thận nhân tạo gặp tai biến, trong đó 7 người đã tử vong, các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo trên địa bàn TPHCM đang chủ động các phương án tự rà soát quy trình của kỹ thuật này.

Để việc rà soát được thực hiện đồng bộ, tuân thủ quy định chung của ngành, hạn chế sai sót có thể dẫn tới nguy hiểm cho người bệnh, ngày 31/5 PGS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế đã ký văn bản gửi đến các bệnh viện về việc “tăng cường hoạt động chất lượng đảm bảo an toàn người bệnh trong việc thực hiện kỹ thuật lọc máu, thận nhân tạo”.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đang triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo phải thực hiện theo đúng hướng dẫn, tuân thủ quy trình của Bộ Y tế trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh thận – tiết niệu, chỉ định thực hiện thận nhân tạo cho người bệnh; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trước, trong và sau khi chạy thận nhân tạo; đảm bảo yêu cầu về nhân lực thực hiện kỹ thuật lọc máu – thận nhân tạo.

Sở Y tế đề nghị các cơ sở thận nhân tạo phải ban hành quy trình xử lý cụ thể đối với những tai biến thường gặp, luôn chuẩn bị đầy đủ thuốc và trang thiết bị cấp cứu cần thiết; bác sĩ, điều dưỡng phải theo dõi sát người bệnh trong suốt quá trình chạy thận. Các bộ phận của máy lọc thận, vật tư tiêu hao (quả lọc, dây lọc máu, catheter...) hóa chất sử dụng đi kèm phải đảm bảo tương thích với máy, phù hợp với người bệnh... hệ thống xử lý nước (RO) cần được bảo trì định kỳ, kiểm tra định kỳ chất lượng nước RO về mặt vi sinh cũng như lý hóa.

Trường hợp xảy ra các sự cố liên quan đến chuyên môn, trang thiết bị, vật tư, hóa chất... Sở Y tế yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương có biện pháp đánh giá, khắc phục, báo cáo kịp thời về sở để được hỗ trợ và rút kinh nghiệm cho toàn ngành.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm