Ra máu kinh bất thường, chị em coi chừng căn bệnh có thể gây hiếm muộn

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo nghiên cứu, sự xuất hiện của polyp có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình làm tổ và phát triển của phôi thai.

Polyp nội mạc tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chúng là sự phát triển tăng sản quá mức tại chỗ của các tuyến nội mạc tử cung và mô đệm, nhô ra khỏi bề mặt của nội mạc tử cung chèn vào trong buồng tử cung. Đôi khi, polyp cũng có thể được tìm thấy trong kênh ống cổ tử cung. Polyp có thể có kích thước từ vài mm đến cm.

Ra máu kinh bất thường, chị em coi chừng căn bệnh có thể gây hiếm muộn - 1

Các khối polyp này thường có màu hồng, mềm, dễ chảy máu khi va chạm mạnh. Hầu hết polyp nội mạc tử cung là lành tính và không gây nguy hiểm cho người bệnh song vẫn có tỉ lệ nhỏ phát triển thành ác tính và chuyển thành ung thư.

Polyp nội mạc tử cung rất phổ biến ở phụ nữ

Tỷ lệ polyp nội mạc tử cung được báo cáo ở phụ nữ rất khác nhau và dao động từ 7,8% đến 34,9%.

Polyp có thể là nguyên nhân gây ra rong kinh, rong huyết ra máu kinh bất thường ở phụ nữ. Polyp được tìm thấy trong khoảng 30% ( 24-41%) phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.

Ra máu kinh bất thường, chị em coi chừng căn bệnh có thể gây hiếm muộn - 2

Nếu không có rối loạn kinh nguyệt, vẫn có khoảng 10% bệnh nhân có polyp không có biểu hiện lâm sàng.

Polyp nội mạc tử cung cũng là một nguyên nhân phổ biến gây vô sinh hiếm muộn ở nhiều chị em phụ nữ. Theo nghiên cứu, sự xuất hiện của polyp có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình làm tổ và phát triển của phôi thai. Do đó, việc cắt bỏ polyp sẽ giúp nâng cao tỷ lệ thành công của các chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản.

Nhiều nghiên cứu quan sát chỉ ra rằng, tỷ lệ thụ thai tự nhiên đã được cải thiện đáng kể sau khi cắt bỏ polyp nội mạc tử cung, đặc biệt ở những bệnh nhân vô sinh không rõ nguyên nhân. Trong một nghiên cứu trên 266 phụ nữ vô sinh, thiểu kinh, tỷ lệ có thai tự nhiên ở những bệnh nhân sau khi cắt polyp nội mạc tử cung lên tới 50%. Theo các bằng chứng hiện tại, việc cắt polyp có hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ mang thai ở phụ nữ vô sinh hiếm muộn từ 43% đến 80%.

Điều trị polyp nội mạc tử cung như thế nào?

Nếu polyp nội mạc tử cung có kích thước nhỏ (nhỏ hơn 10 mm), không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh chỉ cần điều trị bảo tồn. Cùng với đó, cần thường xuyên thăm khám để kiểm tra sự phát triển của polyp.

Điều trị ngoại khoa được chỉ định trong hầu hết trường hợp polyp nội mạc tử cung cần điều trị như: có triệu chứng bệnh, kích thước polyp lớn, khối u thò ra ngoài cổ tử cung gây hiếm muộn, vô sinh,… Hai phương pháp phẫu thuật chủ yếu hiện nay gồm nội soi cắt polyp buồng tử cung, cắt bỏ tử cung hoàn toàn với các trường hợp không còn nhu cầu sinh nở,…