Quảng cáo thực phẩm chức năng chữa bệnh là tội ác

Tú Anh

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cố tình thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh không chỉ vi phạm pháp luật, mà nó còn là về mặt đạo đức, là tội ác với người bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thẳng thắn nhìn nhận, thực phẩm chức năng là tốt, là các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thế nhưng, đúng như tên gọi, nó chỉ là sản phẩm hỗ trợ làm giảm triệu chứng, nâng cao thể trạng... chứ không thể thay thế thuốc điều trị, không thể "chữa dứt điểm", "đẩy lùi", "trị tận gốc" bệnh bằng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Quảng cáo thực phẩm chức năng chữa bệnh là tội ác - 1

Theo ông Phong, về mặt pháp luật, quảng cáo quá đà về công dụng thực phẩm chức năng là gian dối về thương mại. Nghiêm trọng hơn, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh nan y, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh, đó là tội ác.

"Là tội ác, bởi người bệnh nghe và tin theo, dùng sản phẩm mà có thể bỏ qua giai đoạn vàng điều trị bệnh. Nếu không lầm tưởng đó là những sản phẩm có công dụng "thần thánh" chữa bệnh, bị bệnh họ sẽ đi bệnh viện, được điều trị, có cơ hội khỏi bệnh hơn là ở nhà tin theo và dùng sản phẩm, dùng cả thời gian dài thấy không khỏi, ngày càng nặng hơn mới vội tới viện, đôi khi đã qua giai đoạn vàng, ảnh hưởng chất lượng điều trị", ông Phong nói.

Vì thế, ông Phong cho rằng, mọi người cần nhìn nhận đúng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm mang tính bổ trợ, hỗ trợ.

"Mặt tốt của thực phẩm chức năng cũng cần khẳng định, nhưng không nên cho là sản phẩm chữa bách bệnh, dễ hiểu lầm và người tiêu dùng lạm dụng", ông Phong nói.

Vì thế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra 5 khuyến cáo hướng dẫn người tiêu dùng cảnh giác với các thực phẩm chức năng như sau:

- Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

- Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, "bắt bệnh" và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

- Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh

Cục an toàn thực phẩm cũng lưu ý, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian qua đơn vị này đã liên tục đăng thông tin rộng rãi công khai trên trang thông tin điện tử của Cục về các đơn vị, cá nhân vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như thổi phồng công dụng sản phẩm, quảng cáo công dụng của sản phẩm như thuốc chữa bệnh, lợi dụng hình ảnh nhân viên y tế, người bệnh... để quảng cáo; quảng cáo khi chưa được cấp phép...

Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân vì những hành vi vi phạm này và đăng tải công khai trên website của Cục. Cục luôn tăng cường giám sát, hậu kiểm các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu thông trên thị trường. Người dân có bất cứ thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm an toàn thực phẩm, quảng cáo quá đà có thể liên hệ với Cục An toàn thực phẩm để cung cấp thông tin, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm