1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng cáo lừa dối "nhà tôi 3 đời chữa bệnh", vẫn hút người dân

Hải Minh

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá những quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tràn lan trên Facebook "nhà tôi 3 đời chữa bệnh" là lừa dối người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe lừa đảo người tiêu dùng vẫn nhan nhản trên mạng xã hội, các trang web.

Quảng cáo lừa dối nhà tôi 3 đời chữa bệnh, vẫn hút người dân - 1

Đặc biệt thời gian gần đây, quảng cáo "nhà tôi 3 đời" rất phổ biến, từ 3 đời chữa trĩ, yếu sinh lý, bệnh ngoài da... Đáng nói, các sản phẩm quảng cáo đều là các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng đều được quảng cáo với công dụng chữa bệnh.

Theo ông Phong, trong quy định, người có sản phẩm quảng cáo, cơ quan phát hành quảng cáo phải có thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn. Sản phẩm chỉ được quảng cáo khi đã được thẩm định, quảng cáo đúng nội dung được cấp phép - nhằm mục tiêu quản lý quảng cáo đúng công dụng của sản phẩm.

Tuy nhiên thời gian qua, hiện tượng quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm vẫn rất phổ biến, đặc biệt trên các website, mạng xã hội.

"Theo quy định, cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, cơ bản các báo đài chính thống phát hành quảng cáo đúng theo quy định. Tuy nhiên trên các website, mạng xã hội vi phạm rất nhiều. Với những vi phạm này, ngành y tế không thể tự xử phạt mà cần phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với đại diện Facebook để dẹp những quảng cáo lừa đảo này", ông Phong cho biết.

Ông Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. "Cần ghi nhớ, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không thể có công dụng chữa bệnh như thuốc mà chỉ có công dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng bệnh. Cũng tuyệt đối không nghe quảng cáo loại nọ loại kia chữa khỏi bệnh mà bỏ qua cơ hội điều trị bệnh sẽ rất nguy hiểm", ông Phong nói.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh, cơ quan này thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng y tế yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Thời gian qua số cơ sở vi phạm bị xử phạt, số tiền bị xử phạt đều gia tăng. 

Thời gian tới, ngoài tập trung giám sát an toàn thực phẩm, vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dịp Tết Nguyên đán cơ quan này cũng tăng cường giám sát an toàn thực phẩm các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết.

Theo ông Phong,  dịp Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá,  trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Trong khi đó, thời tiết miền Bắc nồm ẩm, miền Nam nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị hỏng.

Vì vậy, ông khuyến cáo người dân không tích trữ quá nhiều thực phẩm tươi sống trong dịp Tết; bảo quản thực phẩm tươi đúng cách, để riêng đồ sống chín...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cũng lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố.

Tại các địa phương cũng lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành các cấp, từ cấp tỉnh đến quận, huyện xã phường.

Trong thời gian từ 1/1/2021 đến hết 20/3/2021 các đoàn thanh kiểm tra sẽ tiến giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm... nhằm mục tiêu giảm tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2021.