Quẫn trí vì giấc mơ của cha mẹ
Tưởng chừng vô hại hay chỉ gây những “gợn” stress nhỏ nhưng áp lực học tập thực sự có thể khiến một số bạn trẻ mắc phải những rối loạn tâm thần nguy hiểm
Vụ án cô Jennifer Phan (28 tuổi, người Canada gốc Việt) thuê sát thủ giết cha mẹ chỉ vì nhiều năm phải đóng vai “cô gái hạng A” khiến không ít phụ huynh hoang mang. Vậy áp lực học tập có thể làm học sinh rối loạn tâm thần hay có hành vi nguy hiểm gần giống Jennifer không? Một bác sĩ (BS) tâm thần khá lâu năm trong nghề tại TP HCM khẳng định: Đến nỗi làm hại cha mẹ thì chưa nhưng hại mình thì có!
6 tuổi đã trầm cảm
Tại phòng làm việc của giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, chị L.T.H (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) lặp đi lặp lại câu hỏi: “Tại sao con tôi không như những đứa trẻ khác? Làm cách nào để cháu học tốt hơn?”.
P.H.M.A (6 tuổi) là con thứ hai của vợ chồng chị. Khác với đứa lớn nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, luôn là niềm tự hào của cha mẹ thì đứa thứ hai ngay từ khi sinh ra đã chậm chạp hơn những đứa trẻ khác. Lo con không học bằng bạn bè, ngay khi con gần 5 tuổi, chị đã ép con đi luyện chữ và học múa, vẽ, đàn.
Khi con vào lớp 1, chị càng ráo riết kèm cặp. Mỗi lần con bị cô phê chữ xấu, chậm biết cộng trừ, chị lại lôi con ra quát mắng, đánh vào 2 tay. Đánh vật mỗi ngày để dạy con học đọc, học viết nhưng học trước quên sau, chị H. tức giận gào thét, mắng con không bằng bạn này, bạn kia, rằng “cùng cha mẹ sinh sao không bằng một phần của chị”.
Cứ mỗi khi đến giờ ngồi vào bàn học ôn bài, M.A lại đòi ăn, đòi uống để tránh học, thậm chí có lần sợ mẹ mắng, bé còn tè ra quần. Một thời gian sau, bé trở nên trầm tính, lười ăn, khi ngủ thường xuyên giật mình. Đến lớp, bé chỉ nép mình ở góc, mặt lờ đờ, mệt mỏi, không chơi đùa với bạn. Lúc này, vợ chồng chị hốt hoảng đưa con đến bệnh viện nhờ BS tư vấn.
BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, cho biết M.A chỉ là một trong nhiều bệnh nhân mà ông trực tiếp tư vấn, tiếp xúc. Đặt kỳ vọng lớn nhưng lại không đánh giá đúng khả năng của trẻ, các bậc cha mẹ đã vô tình tạo áp lực khiến con trẻ bị khủng hoảng tâm lý dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Chuỗi ngày lập trình khủng hoảng
N.Q.T (17 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) liên tục phải chuyển trường do đánh nhau, thậm chí từng gây thương tích khá nặng cho một bạn cùng lớp. Tại nhà, những khi “lên cơn”, T. cáu gắt rồi lồng lên, gây hấn với cả cha mẹ. Đến lúc này, gia đình phải nhờ xe cấp cứu đưa T. đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM do cha mẹ cậu không đủ sức chống đỡ vì đã lớn tuổi. Điều lạ là khi qua cơn, T. lại rất ngoan hiền, lễ phép.
T. là bi kịch điển hình của những đứa trẻ bị buộc phải hoàn hảo. Đến tuổi 17, T. hầu như chưa phải tự ra đường, đi đâu cũng có người nhà đưa đón. Một ngày của T. được lập trình theo thời khóa biểu rất nghiêm ngặt: Sau giờ học ở trường là học với cô A. dạy tiếng Anh, rồi đến cô C. dạy đàn... Lịch học dày đặc cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm, đến một lúc, T. đã “bung” ra với những cơn cuồng loạn, những trận đánh nhau và thói quen chơi game suốt đêm và sẵn sàng tấn công cha mẹ nếu bị ngăn cản.
Để con dứt khỏi game, cha T. đã “giới thiệu” T. dạy kèm tiếng Pháp cho một người quen. T. không thể ngờ rằng anh học trò hơn T. vài tuổi ấy là một chuyên viên tâm lý. Người bác sống cùng nhà với người học trò bất đắc dĩ này cũng là một BS tâm thần.
Dùng căn nhà mình làm lớp học, vị BS tâm thần đã sử dụng một biện pháp trị liệu đặc biệt gọi là “tâm kịch”. Biết T. giỏi tiếng Pháp, BS này đã thiết kế màn kịch nhằm giúp cậu có thể tiếp cận chuyên viên tâm lý. Thông qua những buổi dạy học cho chuyên viên tâm lý, đi ăn cùng BS tâm thần thay vì chơi game như người nghiện, tinh thần T. cải thiện thấy rõ.
Sau vài tháng điều trị, T. đã có thể tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình và đi “dạy” bằng xe buýt. Thói quen chơi game giảm hẳn. Tuy nhiên, theo các BS, chặng đường để T. trở lại bình thường còn khá dài bởi ngoài chứng mất ngủ, rối loạn hành vi, rối loạn ứng xử xã hội, cậu còn có dấu hiệu của những vấn đề tâm thần phức tạp khác.
Tin N.M.A tự tử khiến cha mẹ và bạn bè A. bị sốc. A. được gia đình phát hiện kịp thời và sau khi khỏe lại đã được đưa ngay đến khoa tâm thần của một bệnh viện lớn để khám.
Mãi đến lúc này, gia đình mới biết A. đã có những dấu hiệu trầm cảm nặng từ rất lâu bởi nỗi sợ hãi phải làm cho cha mẹ hài lòng. T. muốn được theo ngành kiến trúc nhưng gia đình không đồng ý, buộc phải đi theo một hướng khác. Từ đó, cậu hay tỏ ra buồn bã nhưng không làm gì quá bất thường, vẫn học giỏi, hiền lành nên gia đình không chú ý. Sau 4 năm theo học chuyên ngành mình không hề thích và sắp ra trường, nghĩ đến viễn cảnh phải gắn bó với môi trường vốn chỉ là ước mơ của cha mẹ khiến chứng trầm cảm của A. lên tới đỉnh điểm.
“Nghề nghiệp, lựa chọn tương lai như đôi giày đi dưới chân. Nếu mang đôi giày không vừa của người khác thì chắc chắn sẽ đau, không đến nơi được, mà có lê lết tới nơi thì cũng mang lấy những vết thương” - ThS-BS Nguyễn Thị Hồng Thương, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, nói.
Theo Ngọc Dung - Anh Thư
Người lao động