Quản lý liên thông nhà thuốc: Chặn thuốc giả, thuốc quá hạn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc triển khai hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia sẽ giúp phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc như VN Pharma và mới đây là cấp thuốc quá hạn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quán triệt việc thực hiện quản lý liên thông nhà thuốc trên toàn quốc. Ảnh: VGP/Đình Nam Chiều 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Y tế về việc triển khai Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia.
Nắm được tình hình thuốc trên cả nước
Việc triển khai hệ thống nhằm thực hiện một trong nhiều nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó đối với hệ thống phân phối thuốc phải “tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc”.
Đến nay, hệ thống đã cập nhật, chuẩn hoá trên 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế; tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác, đảm bảo quản lý bán hàng, thống kê, báo cáo cho các nhà thuốc; kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc mua vào bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc; liên thông dữ liệu hàng ngày lên hệ thống. Đồng thời, đơn vị thiết kế, vận hành đã cho phép kết nối với phần mềm kê đơn thuốc trong bệnh viện, phần mềm của các cơ sở sản xuất và xuất nhập khẩu, xây dựng mã đơn thuốc quốc gia.
Đến nay, Bộ Y tế đã tiến hành triển khai tập huấn chuẩn bị thí điểm ở một số nhà thuốc ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc (20 cơ sở), Phú Thọ (12 cơ sở), Hưng Yên (1.047 cơ sở) để đánh giá thực tế, hoàn thiện phần mềm, quy trình hướng dẫn, tập huấn.
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, đơn vị xây dựng phần mềm sẽ khẩn trương bổ sung ứng dụng giúp người dân có thể kiểm tra thuốc ngay tại nhà thuốc về nguồn gốc xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, hạn sử dụng… nếu trong trường hợp có vấn đề như hết hạn sử dụng có thể thông báo ngay cho cơ quan quản lý trên ứng dụng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị hệ thống phải đáp ứng được mọi yêu cầu hoạt động của nhà thuốc kể cả việc đưa ra dự báo tham khảo về lượng thuốc tiêu thụ trong thời gian tới để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của nhà thuốc.
Một số khó khăn trong quá trình triển khai quản lý nhà thuốc đã được nêu ra liên quan đến công tác tập huấn, tâm lý e ngại của các nhà thuốc tư nhân, quyết tâm của địa phương, nhiều quầy thuốc, tủ thuốc khó khăn về máy tính, đường truyền mạng…
Cục trưởng Cục Quản lý dược Vũ Tuấn Cường nêu thực tế hiện 100% BV công lập, BV tư nhân thực hiện kê đơn trên máy tính liên thông với nhà thuốc BV nhưng chưa thể kiểm soát việc kê đơn của hàng chục nghìn phòng khám tư nhân.
“Khảo sát thực tiễn cho thấy việc triển khai quản lý liên thông hệ thống nhà thuốc đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn bởi nhiều nơi phải thay đổi cả cung cách hoạt động từ thủ công sang điện tử, phải công khai, minh bạch trong kinh doanh”, ông Cường bày tỏ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần quán triệt việc thực hiện quản lý liên thông các nhà thuốc không phải là thí điểm về chủ trương mà thí điểm làm trước ở một số địa phương để rút kinh nghiệm, hoàn thiện phần mềm trước khi triển khai toàn quốc.
Ngành y tế, các địa phương phải nghiêm túc quyết liệt, xử lý nghiêm những nhà thuốc không thực hiện nhưng đồng thời tập huấn kỹ, có tài liệu, video hướng dẫn chi tiết, cụ thể, không để bất cứ nhà thuốc nào không thực hiện với lý do không được tập huấn, hướng dẫn. “Cần khảo sát thực tế để có ứng dụng phù hợp với điều kiện hoạt động của các quầy thuốc, tủ thuốc ở khu vực nông thôn như kết nối bằng điện thoại di động thay vì máy tính”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2018, toàn bộ hệ thống nhà thuốc bệnh viện và các tủ thuốc trạm y tế xã sẽ được kết nối liên thông. Năm 2019, ngành y tế sẽ kết nối các quầy thuốc để hoàn thành liên thông quản lý toàn bộ hệ thống thuốc trên toàn quốc.
“Sau khi triển khai hệ thống trên toàn quốc ngành y tế phải quản lý được toàn bộ tình hình thuốc, chất lượng thuốc, đầu vào, đầu ra, giá cả. Đầu tiên và trước hết là công khai, minh bạch hoạt động ở BV, các nhà thuốc, tủ thuốc y tế ở trạm y tế, tiếp đến là phòng khám y tế tư nhân, tủ thuốc, quầy thuốc tư nhân. Còn người dân biết được ngay thuốc mình mua xuất xứ ra sao, còn hạn sử dụng hay không”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó ngành y tế phải rà soát lại các thông tư trên tinh thần quản lý chặt chẽ việc bán thuốc, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, từng bước kết nối với với các phàn mềm bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử, quản lý bệnh viện, thanh toán bao hiểm y tế… chấn chỉnh tình trạng bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, không theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh rất cao ở Việt Nam.
Xử lý nghiêm việc cấp thuốc quá hạn
Nhắc lại vụ việc VN Pharma và mới đây là vụ việc cấp thuốc quá hạn cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai), Phó Thủ tướng cho rằng việc triển khai hệ thống quản lý thuốc liên thông thì những vụ việc như vậy sẽ được phát hiện, xử lý kịp thời khi không chỉ cơ quan quản lý mà người dân cũng có thể “truy xuất” được nguồn gốc của mọi loại thuốc được lưu hành ở Việt Nam.
Báo cáo thêm với Phó Thủ tướng về vụ việc cấp thuốc quá hạn ở BV Tâm thần Trung ương 2, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết báo cáo nhanh của BV qua đường dây nóng đã xác định vi phạm quy chế của khoa dược, quy định công tác dược lâm sàng.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai lập đoàn thanh tra, đồng thời cử thanh tra Bộ vào làm việc với BV. Cục Quản lý khám chữa bệnh có văn bản yêu cầu niêm phong lô thuốc, thay đổi thuốc và xin lỗi người bệnh, theo dõi trong thời gian tiếp theo. Hội đồng thuốc của BV phải tổ chức họp để kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra vụ việc.
“Sau khi nhận báo cáo chính thức của BV Tâm thần Trung ương 2 Bộ Y tế sẽ có thông tin chính thức. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý kiên quyết, nghiêm túc vụ việc này”, ông Khuê khẳng định.
Cục trưởng Cục Quản lý dược Vũ Tuấn Cường bổ sung: Đối với trường hợp kinh doanh, cung cấp thuốc hết hạn sử dụng, vi phạm các quy định của Luật Dược và các quy định có liên quan phải xử lý kiên quyết. Với việc triển khai chương trình liên thông, kết nối các nhà thuốc, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thuốc, trong thời gian tới chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn chất lượng thuốc, hạn sử dụng tránh những trường hợp tương tự xảy ra ở BV Tâm thần Trung ương 2.
Theo Đình Nam
Chính phủ