Quần áo giặt khô dễ gây dị ứng?

Ở các xưởng giặt thô sơ, họ có thể sử dụng các hoá chất độc hại và cắt bớt giai đoạn để tiết kiệm chi phí nên gây ra nhiều mùi khó chịu hoặc dị ứng cho người sử dụng.

Giặt là sử dụng hoá chất là đương nhiên

 

Không dễ dàng có thể tiếp cận được khu giặt là cửa hàng Minh Sơn (Long Biên, Hà Nội). Với bất kỳ lý do gì, chủ nhân của tiệm giặt này đều từ chối dứt khoát khi khách có nhu cầu muốn "tận mục" khu hậu trường. Thậm chí, bà chủ quán còn bông đùa doạ dẫm: "Vào làm gì, có gì đâu mà xem. Trong đó, có mấy con chó béc giê dữ lắm!".

 

Trong vai người đến giặt chăn, chúng tôi cũng chỉ quan sát từ xa, sau tấm rèm phấp phới nhờ gió quạt làm hé lộ khu "hậu trường giặt là" đáng kinh ngạc. Cửa hiệu vào mùa hè, các đồ chăn bông, ga gối được các gia đình mang đến hiệu giặt đông như hội. Đống chăn xếp cạnh tường cứ cao dần, ngang đầu người. Thi thoảng chúng tôi lại thấy một người đàn ông chừng 40 tuổi chạy từ phía bên trong ra, ống quần xắn đến đầu gối nhưng chân không hề ướt, tay ôm một đống đồ đã ghi tên khách hàng để vào giặt.

 

Dù năn nỉ thế nào, ông bà chủ hiệu giặt cũng không cho vào thăm quan khu giặt là phía bên trong. Ông Minh nói: "Phía trong rộng khoảng1.000 m2, tôi mượn để tiện giặt và phơi đồ, không thì một năm không thể đáp ứng được hàng chục nghìn chiếc chăn. Giờ tôi thuê thợ làm, hầu như người nhà không phải đụng tay vào. Giặt có sử dụng hoá chất là đương nhiên. Có điều, ở các hiệu có tên tuổi họ được 10 điểm, ít mình cũng không được phép dưới điểm 4. Nếu bạn cần ảnh minh hoạ, bạn nên đến 33 Phạm Ngũ Lão, ở đấy xưởng giặt của họ có thương hiệu và uy tín từ lâu. Còn cơ sở của mình hoạt động cũng là giấu giếm, vì "miếng cơm manh áo" thôi".

 

Mấy con chó béc giê nằm án ngữ cạnh cổng đi vào để chắc chắn nếu không có chủ và người quen thì không ai dám bước qua. Liền kề cổng là một dải sân xi măng dẫn ra phía vòi nước, nơi có cả một chiếc gậy gỗ hình như bồ cào, bên cạnh những chiếc ủng. Quang sát phía xa xa, chúng tôi thấy có nhiều thùng nhựa sơn xanh, được xếp gọn gàng theo hàng. Ông Minh tâm sự: "Vì khách có nhu cầu giặt riêng, thường mình chỉ ngâm một đến hai chiếc chăn cùng nhau. Những đồ trắng thì rất đơn giản, gần như không cần phải đụng tay vào và áo thì yên tâm là trắng tinh, Sở dĩ, chăn có mùi hắc là do vấn đề bảo quản. Những cách bảo quản đó, mình chưa được học và đang tự điều chỉnh dần".

 

Không biết mua hoá chất làm gì....

 

Không thể thu thập được thông tin thêm gì về những hoá chất được sử dụng trong việc giặt là tại cửa hiệu ông Minh, chúng tôi tìm tới cửa hàng hoá chất tại Đức Giang. Nhân viên bán hàng hoá chất tại cửa hàng 433, Ngô Gia Tự (Hà Nội) cho biết: Các công ty giặt là thường mua oxy già (H202) hoặc Axit Oxalic, đây là hai loại được khuyến khích sử dụng, vừa dùng giặt tẩy và vừa dùng sát trùng, được sử dụng trong ngành y tế. Tuy nhiên, giá thành hai loại này khá cao: Oxy già khoảng từ 10 - 15 triệu/tấn, axit oxalic vào khoảng 25 triệu/tấn. Có nhiều khách lẻ đến, mua thuốc tẩy tương tự cũng dùng trong giặt, tẩy như: axit chanh, nước javen, clo và thường chúng tôi cũng không biết họ sử dụng để làm gì...(!?) Mùi hăng hắc bạn ngửi phải khi dùng các sản phẩm giặt là cũng có thể là mùi nước Javen hoặc mùi xà phòng công nghiệp.

 

Thiếu tá Vũ Thị Phượng, một nhân viên tại cơ sở giặt là ở dốc Lafo cho biết: Quy trình giặt khô gồm 3 bước: Bước một là ngâm với hoá chất lỏng trong nước thời gian là 45 phút để tẩy các vết bẩn. Bước hai là vắt và sấy khô. Bước ba, nhân viên chỉ là hơi xong cho ra sản phẩm cuối cùng. Giặt ướt mất thêm khâu phơi đồ kiệt nước. Hiện tại cơ sở chúng tôi có sử dụng máy giặt công nghiệp từ 50 - 100kg, cùng nhiều máy nhỏ 15kg. Một lần có thể vắt bằng máy quay ly tâm khoảng 15 cái chăn (chăn 4kg - PV). Chúng tôi sử dụng bột giặt Omo, bột giặt nhà máy. Ở các xưởng thô sơ, họ có thể sử dụng các hoá chất độc hại và cắt bớt giai đoạn để tiết kiệm chi phí nên có thể gây ra nhiều mùi khó chịu hoặc dị ứng cho người sử dụng.

 

Bác sĩ Nguyễn Thành, trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu Quốc gia nhận định: Chúng tôi chưa có những thống kê cụ thể, số liệu những bệnh nhân bị viêm da do sử dụng hoá chất giặt tẩy. Tuy nhiên, có thể tổng hợp thành hai dạng: Viêm da kích ứng và viêm da tiếp xúc. Trong viêm da tiếp xúc nguyên nhân có thể do dị ứng hoặc do cơ địa. Tỷ lệ sử dụng hoá chất ngày càng nhiều nên bệnh da liễu càng hay gặp là chuyện dễ hiểu. Bệnh nhân kiểu này đa số mắc bệnh á sừng, tập trung ở chân tay. Lứa tuổi chủ yếu là thanh thiếu niên. Các biểu hiện thường gặp như: mề đay, mẩn ngứa và chắc chắn luôn kèm theo ngứa. Chúng tôi chưa gặp trường hợp nào bị ung thư da do sử dụng chất giặt tẩy, tác nhân của bệnh ung thư da chủ yếu là do ánh sáng mặt trời.

 

Theo Ngọc Thành

Sức khỏe & Đời sống