1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quá tải bệnh viện: Bài toán đã có lời giải?

(Dân trí) - Ở các bệnh viện tuyến TƯ, cảnh người bệnh xếp hàng dài chờ khám, 2-3 người bệnh nằm chung một giường… từ lâu đã là một bài toán nan giải của ngành y. Giữa lúc đó, buổi tổng kết giai đoạn 1 Dự án BV vệ tinh - BV Việt Đức đã hé mở lời giải khả thi cho bài toán hóc búa này.

Sau hơn 1 năm triển khai Dự án BV Vệ Tinh, BV Việt Đức được giảm tải, trình độ chuyên môn của các bác sỹ y tá BV Đa khoa các tỉnh được nâng cao, đồng thời người dân được chăm sóc sức khoẻ ngay tại địa phương mà không phải cất công “khăn gói” về “trung ương”.

 

Phát triển ngoại khoa cho các vùng

 

Ông Trần Bình Giang, Phó GĐ BV Việt Đức cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án bệnh viện Vệ tinh, đó là sẽ tiến hành những kỹ thuật mổ hiện đại tại các bệnh viện vùng. Mục đích là phát triển trình độ ngoại khoa cho BV vùng để giảm tải cho Việt Đức, bằng cách tăng cường các trang thiết bị ngoại khoa hiện đại và tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho BV vệ tinh.

 

Triển khai dự án, BV Việt Đức đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc” trong Dự án BV vệ tinh với 6 BV Đa khoa các tỉnh Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hoá, Bắc Ninh, BV Đa khoa khu vực Sơn Tây, Hà Tây và BV Đa khoa Việt Tiệp, Hải Phòng.

 

Giai đoạn 1 của dự án, BV Việt Đức đã thực hiện 8 lớp đào tạo “tại chỗ” cho 46 kỹ thuật viên, 12 bác sỹ gây mê hồi sức, 88 y tá điều dưỡng, phụ gây mê… cho các BV Vệ tinh. Đặc biệt đã giúp mỗi BV trang bị được một phòng mổ, bao gồm nhiều dụng cụ phẫu thuật hiện đại như dao mổ điện, máy mê kèm thở, đèn mổ trần có vệ tinh và camera… “Những phòng mổ này hoàn toàn đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật những ca mổ khó, sử dụng kỹ thuật hiện đại”, ông Giang cho hay.

 

Ông Phùng Xuân Trường, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Sơn Tây cho biết: “Năm 2004, khi chưa có Dự án BV vệ tinh, bệnh nhân tới điều trị và phẫu thuật ngoại khoa ít hơn năm 2005 và ít hơn nhiều so với 10 tháng đầu năm 2006. Năm 2004, BV tiến hành 936 ca phẫu thuật ngoại khoa thì năm 2005 đã tăng lên 1.036 ca và 10 tháng đầu năm 2006 là 1.642 ca. Hơn thế, trình độ ngoại khoa của BV được nâng lên rõ rệt.

 

Thông qua Dự án BV vệ tinh của BV Việt Đức, BV đã tự giải quyết được những phẫu thuật trước kia BV chưa làm được hoặc rất ít làm như mổ bóc u xơ tuyến tiền liệt, phẫu thuật nang tuỵ - dạ dày, cố định ngoại vi vết thương hở bẩn, ghép da co cuốn – ghép da dày, tự mổ sọ não hở - tụ máu ngoài màng cứng, phẫu thuật cắt túi mật, u nang buồng trứng, có kinh nghiệm xử trí chấn thương - vết thương lồng ngực và tràn máu ngoài màng tim…

Mới đây, BV đa khoa Thanh Hoá lần đầu tiên phẫu thuật sọ não, ghép xương sọ thành công sau khi được các chuyên gia của BV Việt Đức hướng dẫn.

 

Theo đánh giá của các BV vệ tinh, trình độ ngoại khoa của đội ngũ bác sỹ cũng nâng lên rõ rệt với nhiều kỹ thuật cao đang được từng bước chuyển giao.

 

Vẫn còn những khó khăn

 

BV Việt Đức được giao chỉ tiêu 450 giường bệnh nhưng thực tế đã phải tăng thêm 400 giường bệnh nữa. Vậy mà tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang… vẫn diễn ra triền miên. Điều đáng nói là có rất nhiều ca khi chuyển đến viện đã tử vong, trong khi đó, nếu được cấp cứu ban đầu tại BV địa phương sẽ giảm được nguy này.

 

Tuy nhiên, vấn đề trình độ của BS và trang thiết bị y tế tuyến dưới vẫn còn yếu. Ngay trong việc đào tạo nhân lực cho Dự án BV vệ tinh cũng gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực. Nhiều khoá học được các GS, TS đầu ngành hướng dẫn nhưng bệnh viện địa phương không có người để cử đi học, không đủ cán bộ để chuyển giao kỹ thuật…Vì thế, Dự án BV Vệ tinh đang triển khai các buổi cầu truyền hình trực tiếp từ Việt Đức đến các bệnh viện vệ tinh để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng cũng mới thí điểm được ở 2 BV vệ tinh.

 

Ông Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết: “Giai đoạn 1 của Dự án BV vệ tinh đã cho thấy tính khả thi với kết quả tốt và cần mở rộng mô hình. Tất cả các BV đều nhận thấy đầu tư giai đoạn 1 đã mang lại hiệu quả rõ rệt”. Nếu khắc phục được một số khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn đối ứng của địa phương còn chậm… thì dự án này sẽ sớm giải quyết được thực sự tình trạng quá tải ở các tuyến TƯ.

 

GS.TS Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Dự án phát triển bệnh viện là một mô hình hiệu quả, giúp giải quyết tình trạng quá tải BV tuyến trên, giúp người dân được tạo điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt nhất ngay tại địa phương. Vì thế, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để mô hình BV vệ tinh được triển khai nhanh và rộng hơn.

 

Hồng Hải