1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM

Quá khó tiêu diệt chuột gây bệnh suy thận cấp

(Dân trí) - “Nếu sử dụng hóa chất để diệt chuột trên diện rộng thì ảnh hưởng của hóa chất đến vật nuôi và con người rất khó tránh khỏi. Phương pháp đặt bẫy truyền thống chỉ có tác dụng trong ít ngày vì loài động vật tinh ranh này có thể hoàn thiện kỹ năng tránh bẫy.”

TS/BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhận định việc diệt chuột gây bệnh suy thận cấp (Hanta) trên địa bàn gần như là chuyện không thể thực hiện được. “Chúng ta chỉ có thể hạn chế phần nào và từng bước đẩy lùi nạn chuột hoành hành gây bệnh cho con người chứ khó có thể chặn đứng được trong một sớm một chiều.” Cũng theo phân tích của TS Mạnh Siêu, nguyên nhân khiến chuột bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố xuất phát từ chính con người. “Thức ăn thừa mứa đổ bừa bãi, nhà cửa lụp xụp, chen chúc… đã và đang tạo môi trường sống lý tưởng cho loại chuột.”

Người dân hoang mang

Chuột gây bệnh cho con người không phải chuyện mới, những loại bệnh như dịch hạch, uốn ván đã và đang là nỗi ám ảnh của con người. Nỗi ám ảnh ấy được đẩy lên đến đỉnh điểm tại TPHCM vào tháng trước khi bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thành phố xác nhận trường hợp của bệnh nhân N.V.T. (55 tuổi, ngụ tại quận 3) dương tính với vi rút Hanta gây suy thận cấp sau khi bị chuột cắn.

Chuột hoành hành khắp nơi bất kể ngày đêm
Chuột hoành hành khắp nơi bất kể ngày đêm

Ngay sau đó, một kiểm tra được Viện Pasteur thực hiện trên cơ sở lấy mẫu của 25 con chuột sống trong tự nhiên gần khu vực nhà bệnh nhân T. sinh sống. Kết quả đáng giật mình khi có đến 3 mẫu bệnh phẩm từ chuột cống dương tính với vi rút Hanta. Công bố trên được đưa ra khiến cư dân thành phố “lạnh người”.

Bà Lê Thanh Xuân (49 tuổi, đường Trần Văn Đang, quận 3) chia sẻ nỗi lo lắng: “Từ khi biết khu vực chúng tôi sinh sống có chuột gây loại bệnh nguy hiểm, nhà tôi đóng cửa suốt ngày. Tuy nhiên, lũ chuột vẫn tìm cách đột nhập vào trong để lục tìm thức ăn bất kể ngày đêm. Chuột ở đây toàn những con to, có lông màu nâu hệt như loại chuột mang mầm bệnh được ngành y tế miêu tả. Chúng tôi đã được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và diệt chuột nhưng chưa mấy hiệu quả.”

Nhiều người sống tại các quận huyện chưa được tiến hành những kiểm tra cần thiết để phát hiện mầm bệnh ở chuột cũng đứng ngồi không yên. “Bất kể khi nào cũng có chuột xuất hiện ở thùng rác, chúng gần như không sợ người. Hai đứa cháu tôi cùng lũ trẻ trong khu phố thường chơi tại bãi đất trống giữa đường đi của bầy chuột không có cơ sở nào đểm đảm bảo chúng không bị chuột tấn công. Mầm bệnh chắc chắn không chỉ có ở mình quận 3, ngành y tế cần phải kiểm tra trên diện rộng hơn để cảnh báo cho người dân. Ông Trần Minh Thái, một cán bộ hưu trí ngụ tại đường số 2, quận Thủ Đức cho biết.

Quá khó để diệt chuột

Ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh Hanta do chuột gây ra, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tại 24 quận huyện lên kế hoạch triển khai các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt chuột. Nhưng diệt chuột bằng cách nào đang là vấn đề gây đau đầu cho ngành chức năng.

Những con chuột đầu tiên bị ngành y tế tóm được
Những con chuột đầu tiên bị ngành y tế tóm được

“Nếu sử dụng hóa chất để diệt chuột trên diện rộng thì ảnh hưởng của hóa chất đến vật nuôi và con người rất khó tránh khỏi. Dùng thuốc bẫy là biện pháp bất đắc dĩ và chỉ bên triển khai tại các bãi rác nơi có nhiều chuột sinh sôi phát triển. Phương pháp đặt bẫy truyền thống chỉ có tác dụng trong ít ngày vì loài động vật tinh ranh này có thể hoàn thiện kỹ năng tránh bẫy.” TS Mạnh Siêu cho biết.

Cũng theo Giám đốc trung tâm y tế dự phòng, chuột không chỉ là gánh nặng của TPHCM mà còn là gánh nặng của nhiều thành phố lớn trong nước và trên thế giới. Chuột là loài rất tinh khốn càng ngày chúng càng hoàn thiện kỷ năng tránh né các phương tiện giăng bắt. Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng trong vài lần đầu, khoảng lần thứ 3 trở đi chuột sẽ không đến ăn thuốc nữa.

Trước đây đã từng có đề xuất về việc sử dụng thức ăn có chứa vi rút gây bệnh ở chuột, chỉ cần một số ít cá thể mang mầm bệnh sẽ lây sang và tiêu diệt cả đàn chuột. Tuy nhiên phương pháp này đã không thể áp dụng do sự lo ngại về mức độ ô nhiễm môi trường khiến các loại bệnh khác có thể phát sinh theo. Vài năm trở lại đây, phương pháp diệt chuột bằng men vi sinh đã được triển khai trên địa bàn thành phố nhưng tính hiệu quả cũng như tác động của nó vẫn chưa được chứng minh, nên Bộ Y tế chưa phê duyệt.

Khó có thể tiêu diệt được tận gốc chuột mang mầm bệnh nguy hiểm
Khó có thể tiêu diệt được tận gốc chuột mang mầm bệnh nguy hiểm

Trước mắt, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang yêu cầu các quận huyện giám sát và thống kê những điểm tập trung nhiều chuột tại các bãi rác hoặc khu dân cư. Những điểm này sẽ được đặt thuốc dưới sự theo dõi chặt chẽ của ngành y tế trong vòng 2 đến 3 ngày để tránh ảnh hưởng đến con người và vật nuôi. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời giúp kéo giảm sự phát triển của đàn chuột chứ không thể tiêu diệt được tận gốc.

Để đẩy lùi nạn hoành hành của chuột nói chung và chuột gây bạnh Hanta nói riêng, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên đổ thức ăn bừa bãi, thường xuyên dọn dẹp nhà của và khu vực minh sinh sống gọn gàng sạch sẽ… Biện pháp trên sẽ loại bỏ được nguồn thức ăn và nơi sinh sống của chuột, khiến chúng hoặc là chết hoặc là tự bỏ đi. Gài chốt cửa cẩn thận, thường xuyên ngủ mùng sẽ hạn chế được nguy cơ bị chuột tấn công.

Vân Sơn - Trung Kiên