Quá ít nhà thuốc đạt GPP

(Dân trí) – Theo Quyết định số 11/2007 của Bộ Y tế, đến năm 2011, tất cả các nhà thuốc trong nước phải đạt tiêu chuẩn GPP. Nhưng xem ra, mục tiêu này khó khả thi vì lộ trình tới đó còn quá nhiều bất cập. Hiện mới có 83 nhà thuốc trên cả nước đạt GPP.

Khoảng 80% người bệnh tự mua thuốc

Tại Hội thảo Thực hành tốt nhà thuốc - GPP hướng tới chất lượng cung ứng, sử dụng thuốc cho cộng đồng do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Diethelm Việt Nam tổ chức ngày 17/6, TS Nguyễn Văn Yên, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng bán thuốc không cần đơn vẫn tràn lan tại các nhà thuốc. Trong khi đó, một những những điều kiện để nhà thuốc đạt GPP là cần bán thuốc theo đơn và phải tư vấn cho người bệnh trong trường hợp chưa cần dùng đến thuốc.

Theo đúng quy định của Bộ Y tế, chỉ có dược sỹ đại học mới có quyền thay thế thuốc trong đơn khi bán cho người mua nhưng ở nước ta, dược tá, người phụ giúp bán thuốc cũng tự cho mình “quyền” thay thế thuốc. Tự ý thay thuốc trong đơn từ nội sang ngoại, của Ấn sang Âu… chỉ vì lợi nhuận, hay đơn giản hơn thuốc trong đơn hết hàng, chỉ còn loại khác nhưng về cơ bản “hoạt chất vẫn vậy” là những lời giải thích mà khách hàng hay nhận được.

Tháng 1 năm 2007, Bộ Y tế đã ra quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành nhà thuốc tốt”.

 

Tiêu chuẩn GPP là một trong các nguyên tắc, tiêu chuẩn mà ngành Dược Việt Nam đã, đang áp dụng nhằm mục đích hướng đến đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho người dân.

 

Theo đó, các nhà thuốc phải đặt lợi ích người bệnh và cộng đồng lên trên hết, cung cấp thông tin đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, phải bán thuốc theo đơn, mỗi nhà thuốc phải có diện tích tối thiểu 20m2 trở lên, có đủ điều kiện bảo quản thuốc, có nghế cho người mua thuốc ngồi đợi…

 

Đến 1/1/2011, tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt tiêu chuẩn GPP.

Thay đơn thuốc chưa đủ, nhân viên nhà thuốc còn chủ động “tư vấn” cho người bệnh khi họ kể bệnh để hỏi mua thuốc… như một bác sĩ thực thụ. Rất ít nhà thuốc “từ chối” yêu cầu của khách hàng, dù nhiều loại thuốc nằm trong danh mục thuốc phải bán theo đơn.

Khảo sát của phóng viên ở nhiều nhà thuốc cho thấy, bán thuốc không theo đơn là một lẽ… rất bình thường với cả nhà thuốc và người bệnh. Con số người bệnh tự ý mua thuốc điều trị lên tới khoảng 60 - 80%. Cứ có nhu cầu ắt sẽ được nhà thuốc đáp ứng.

Theo TS Yên, đây là một điều cực kỳ nguy hiểm vì chất lượng thuốc ở nhiều nhà thuốc tư nhân không đảm bảo và khó kiểm soát. Kéo theo hành vi này là các nguy cơ như lãng phí, mắc thêm bệnh do uống thuốc, tạo chủng vi khuẩn kháng kháng sinh…

Trên thực tế, những nguy cơ do tự ý dùng thuốc đã hiển hiện. Tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, phó khoa cho biết, trong các trường hợp di ứng thuốc, đa phần là dị ứng thuốc kháng sinh. Kết quả nghiên cứu từ hơn 2000 bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 1981 - 2005 cho thấy: trong 28 nhóm gây dị ứng thì kháng sinh chiếm 75,7%, đông y: 6%, hạ sốt, giảm đau, chống viêm: 5,2%.

Còn theo GS Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng miễn dịch lâm sàng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc. Ngoài nguy cơ do thuốc kém chất lượng, quá hạn sử dụng, do cơ địa mỗi người, thì nguy cơ lớn nhất, chính là thói quen tuỳ tiện dùng thuốc của người dân. GS An đánh giá, có đến 60% trường hợp ngộ độc hay sốc thuốc phản vệ là do người bệnh tự mua thuốc về điều trị.

“Không chỉ tự ý bán thuốc không có đơn, các cơ sở kinh doanh thuốc hiện nay còn quá nhỏ lẻ, giá thuê mặt bằng đắt đỏ, nhân viên bán thuốc chưa quan tâm đúng mức tới việc hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh chu đáo… Chính những bất cập khiến việc tiến tới các nhà thuốc đạt GPP còn rất khó khăn”, bà Trịnh Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân Sở Y tế Hà Nội nói.

Chặng đường khó khăn

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về lộ trình đến năm 2011, tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt tiêu chuẩn GPP.

Ngay tại Hà Nội, hiện có gần 2.000 nhà thuốc gồm cả nhà thuốc tư nhân, bệnh viện và nhà thuốc của các công ty dược nhưng mới chỉ có 56 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, chiếm 2,5%. Các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP ở Hà Nội gồm 48 nhà thuốc tư nhân và chỉ có 1 nhà thuốc bệnh viện.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tỷ lệ nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP ở Hà Nội còn quá thấp nên mục tiêu các nhà thuốc phải đạt tiêu chuẩn này vào năm 2010 khó có thể đạt được. Mỗi tháng, Hà Nội chỉ có từ 10 - 12 nhà thuốc mới được công nhận đạt tiêu chuẩn GPP, chiếm 0,6% tổng số nhà thuốc hiện có. Việc giám sát các nhà thuốc đã đạt tiêu chuẩn GPP cũng còn khó khăn. Trên thực tế, Sở Y tế đã từng rút phép một nhà thuốc đã đạt GPP trước đó nhưng sau lại không đủ điều kiện. Nguyên nhân là vì nhà thuốc có diện tích hẹp, không riêng biệt và chưa triển khai đào tạo kiến thức về nhà thuốc tốt cho nhân viên...

Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, mới chỉ có 40 trong tổng số hơn 4.000 nhà thuốc, nộp đơn xin thẩm định GPP, trong đó có 12 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Sau khi Quyết định số 11/2007 ra đời, nhiều địa phương đã thực hiện lộ trình xây dựng các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP nhưng sau hơn 1 năm, toàn quốc mới có 83 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn này trên tổng số hơn 40.000 nhà thuốc của cả nước.

Không những vậy, nhiều nhà thuốc còn không “mặn mà” với danh hiệu đạt GPP. Vì để đạt được nó, họ phải đầu tư quá tốn kém cho cơ sở vật chất, như phòng đủ tiêu chuẩn, cách biệt, có đủ phương tiện bảo quản, lưu trữ thuốc như tủ lạnh, điều hoà, tủ làm mát… Nhà thuốc phải có diện tích trên 20m2 cũng là một khó khăn với người kinh doanh dược vì giá cả thuê mặt bằng quá đắt đỏ, nhất là tại các thành phố lớn.

Nhiều nhà thuốc khi đã đạt được danh hiệu lại rơi vào tình trạng ế ẩm vì họ không dám tự ý bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh mà phải theo đơn của bác sĩ. Vì thế, theo TS Yên, để thúc đẩy quá trình đưa các nhà thuốc vào tiêu chuẩn GPP, một phần quan trọng là thay đổi thói quan mua/bán thuốc trên cả hệ thống, dần thay đổi ý thức về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý của cả người bán và người bệnh.

Hồng Hải