1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Polymer có gây độc cho cơ thể?

(Dân trí) - Thông tin thành phần hạt trân châu có chứa polymer (chất nhựa) khiến nhiều người dân hoang mang. Theo GS Trần Vĩnh Diệu, TT Nghiên cứu vật liệu Polymer, trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội), ngành y tế cần kiểm tra rõ nguồn gốc polymer trong hạt trân châu.

“Việc kiểm tra được chính xác nguồn gốc polymer là rất quan trọng. Nó sẽ cho câu trả lời là hạt trân châu chứa thành phần này có độc hại cho cơ thể hay không. Vì trên thực tế, không phải loại polymer nào cũng gây độc cho cơ thể”, GS Diệu nói.

GS Diệu đưa ra dẫn chứng, như chất Xenlulo có trong rau quả, thực ra, đây cũng là một dạng polymer. Tuy nhiên, nó lại có vai trò rất quan trọng cho sức khỏe con người. Chính dạng polymer này giúp mọi người tiêu hóa thức ăn tốt, tống chất thải ra ngoài một cách dễ dàng. Nếu thiếu hoặc quá ít xenlulo, sẽ sinh ra hiện tượng táo bón. Hay như loại giấy bóng làm từ tinh bột mà người ta dùng làm giấy gói kẹo chống dính (có thể ăn luôn), đây cũng là một dạng polymer nhưng không gây hại cho sức khoẻ.

Có loại polymer có thể tan trong nước. Một loại phổ biến ở Việt Nam như PVA sản xuất ra ở dưới dạng xơ dừa phơi khô. PVA này có tác dụng tăng độ nhớt của sản phẩm. Nó được dùng trong dược phẩm để sản xuất thuốc nhỏ mắt (được sử dụng rộng rãi như nước mắt nhân tạo). Trong sản xuất thực phẩm, nhiều người cũng dùng lượng rất nhỏ tăng độ nhớt của sản phẩm. Và ở tỷ lệ rất nhỏ như thế, nó cũng không gây độc cho cơ thể.

“Không phải loại polymer nào cũng gây độc cho cơ thể. Những loại polymer không có chứa những chất độc hại và được dùng với lượng hợp lý thì không nguy hại, không gây chết người. Vì thế, việc kiểm tra nguồn gốc polymer có trong hạt trân châu là rất quan trọng để đánh giá sản phẩm này tốt hay gây hại cho sức khỏe người dùng”, GS Diệu nói.
 

TPHCM: Chưa phát hiện sữa, trà trân châu Trung Quốc

 

Ngày 11/8, thanh tra Sở y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra các quán trà sữa trân châu trên địa bàn TPHCM. Qua thực tế kiểm tra 4 quán cho thấy: tình trạng vệ sinh tốt; nguồn nguyên liệu như hạt trân châu, hương liệu sirô nước, sữa…, chủ yếu là hàng Đài Loan, còn lại là hàng sản xuất trong nước; không có nguyên, hương liệu xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, các quán này cũng có những vi phạm như chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; chưa xuất trình được các hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho, hóa đơn tài chính khi giao dịch mua bán. Các cơ sở hẹn xuất trình trong vài ngày tới.

 

Cụ thể, tại quán trà sữa trân châu TAPI TEA (235B, Nguyễn Văn Cừ, P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1), cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và có 4/6 nhân viên chưa được khám sức khỏe cũng như tập huấn kiến thức về VSATTP.

 

Còn quán trà sữa trân châu 215, Nguyễn Văn Cừ, Q.5, ngoài việc chưa có giấy chứng nhận VSATTP, cơ sở còn có nhiều bao bì hạt trân châu không dán nhãn phụ.

 

Đoàn thanh tra đã lấy mẫu các loại hạt trân châu, các mẫu trà sữa tại cả 4 quán để đem xét nghiệm. Đồng thời Đoàn thanh tra cũng yêu cầu chủ 2 cơ sở có vi phạm trên phải tiến hành việc xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và xuất trình bổ sung các giấy tờ cần thiết thanh tra đã ghi trong biên bản.

 

Ngọc Thanh

Hồng Hải