Pin đồ chơi điện tử “sát thủ” đối với trẻ nhỏ

(Dân trí) - Cậu 5 tuổi vừa nhập viện cấp cứu trong tình trạng cục pin của món đồ chơi điện tử bị kẹt trong ống tai, gây thủng màng nhĩ. Bác sĩ cảnh báo, cục pin nhỏ có thể dễ dàng lọt vào tai, mũi, miệng, các lỗ trự nhiên khác trên cơ thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Thủng màng nhĩ vì cục pin nhỏ

Trong lúc đang chơi trò chơi ở trường mầm non, một bé trai 5 tuổi ngụ tại Bỉnh Thuận bất ngờ dùng 2 viên pin điện tử nhét vào lỗ tai phải, các cô giáo ở đây dù đã nhanh chóng lấy được 1 viên, nhưng viên còn lại lọt vào sâu không thể lấy được, phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện địa phương, lỗ tai của bé có biểu hiện sưng nề gây nguy hiểm nên bác sĩ buộc phải chuyển viện lên tuyến trên.

Pin đồ chơi điện tử “sát thủ” đối với trẻ nhỏ - 1

Bệnh nhi đã bị thủng màng nhĩ, tổn thương nghiêm trọng cấu trúc tai sau khi tự nhét viên pin điện tử vào

Cậu bé đã được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Ngày 5/9, thông tin từ TS.BS Nguyễn Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết: “Qua chụp CT scan, bác sĩ  phát hiện ống tai phải của bệnh nhi phù nề, có bán trật khớp búa đe; đồng thời có một dị vật kim loại có kích thước khoảng 8mm ở ống ta, hòm nhĩ phải và có dịch ở hòm nhĩ phải”.

Cũng theo BS Thủy, quan sát kính hiển vi phát hiện dị vật là một viên pin điện tử, ngay sau đó các bác sĩ đã dùng dụng cụ chuyên dùng gắp dị vật này ra ngoài. Tuy nhiên, quanh ống tai, màng nhĩ, hòm nhĩ nhiều mô bị hoại tử, màng nhĩ bị rách hoàn toàn. Bệnh nhi được các bác sĩ phải tiến hành bơm rửa mô hoại tử, tiêm kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chăm sóc hố mổ tai. Sau 2 ngày chăm sóc tích cực, tai của bé đã khô, hết dịch. 

Pin đồ chơi điện tử “sát thủ” đối với trẻ nhỏ - 2
Cục pin nhỏ tưởng chừng vô hại nhưng sẽ trở thành sát thủ khi lọt vào cơ thể

Dù bé đã được lấy dị vật ra khỏi lỗ tai, nhưng theo bác sĩ Thúy đây chỉ mới là giai đoạn đầu, phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Vì hiện nay, tai phải của bé đã bị điếc dẫn truyền so với trung bình do bị thủng màng nhĩ hoàn toàn. Bệnh nhi phải d dược theo dõi từ 3 đến 6 tháng về các tổn thương da và các cấu trúc xung quanh. Sau khi các tổn thương này phục hồi hoàn toàn, các bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật vá màng nhĩ với hi vọng hồi phục được thính lực cho bé.

Pin điện tử rất nguy hiểm khi lọt vào cơ thể

Ngoài trường hợp trên, nhiều bệnh nhi khác cũng đã phải đối mặt với nguy hiểm do thủ phạm là viên pin trong các thiết bị điện tử gây ra. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ từng tiếp nhận và điều trị cho bé gái 4 tuổi ngụ tại Định Quán, Đồng Nai trong tình trạng thường xuyên chảy nước mũi bên trái, dịch nhầy từ mũi bệnh nhi có màu đen, mùi khó chịu. Qua nội soi các bác sĩ đã phát hiện và gắp ra viên pin điện tử trong hốc mũi nhưng các mô quanh vị trí viên pin kẹt lại đã bị hoại tử, đóng vảy, viêm loét.

Tai nạn tương tự cũng xảy ra với cậu bé 5 tuổi ngụ tại Bình Dương. Khi được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu, bệnh nhi đã bị thủng vách ngăn mũi, nước mũi mùi hôi thối chảy thành dòng. Sau can thiệp, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ bị sẹo lồi gây hẹp đường thở, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Pin đồ chơi điện tử “sát thủ” đối với trẻ nhỏ - 3

Sau khi lấy được dị vật, bệnh nhi còn phải vá màng nhĩ, nguy cơ ảnh hưởng đến thính lực về sau

Từ những tai nạn trên PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng chia sẻ: “Pin điện tử (hay pin cúc áo) hay là pin Lithium thường gặp trong các đồ chơi của trẻ em. Đây là một đồ vật rất nguy hiểm, khi kẹt trong cơ thể sẽ tạo ra một dòng điện tiếp xúc với niêm mạc tạo thành xút vảy (natri hydroxit) gây ra những vết bỏng nặng. Do đó, ngay cả khi pin đã được lấy ra khỏi cơ thể vết thương của bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng, gây bỏng, nguy cơ để lại di chứng nặng nề".

Để tránh những tai nạn tương tự xảy ra, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh, người nuôi giữ trẻ, các trường mầm non nên hạn chế cho trẻ dùng các món đồ chơi có sử dụng pin điện tử. Trường hợp các món đồ có pin cần phải cố định pin bằng các dụng cụ chuyên dùng hoặc sử dụng keo, băng dính để trẻ không thể tự tháo được pin ra ngoài.  

Khi phát hiện bé đưa dị vật vào những lỗ tự nhiên trên cơ thể, cần chuyển ngay đến bệnh viện có chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, can thiệp kịp thời. Việc xử lý đúng và lấy dị vật càng nhanh càng tốt kết hợp bơm rửa sẽ tránh hoại tử lan rộng hạn chế tối đa biến chứng và di chứng cho bệnh nhi.

Vân Sơn