Phương pháp điều trị ung thư bàng quang
(Dân trí) - Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục. Tùy theo giai đoạn bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang hay cắt toàn bộ bàng quang.
Theo PGS.TS Trần Đức, khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), với những trường hợp u bàng quang mới phát hiện lần đầu, phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang vừa là phương pháp chẩn đoán (lấy mẫu u bàng quang làm giải phẫu bệnh, xem u là lành tính hay ác tính - ung thư bàng quang), vừa là phương pháp điều trị (loại bỏ khối u).
Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là u bàng quang lành tính, việc điều trị hoàn thành và người bệnh được hướng dẫn theo dõi tái khám định kỳ.
Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang nông, việc điều trị cần được tiếp tục sau mổ nội soi từ 2 đến 3 tuần bằng liệu pháp bơm hóa chất chống u tái phát vào trong bàng quang, mỗi tuần một lần, liên tiếp trong 6 đến 8 tuần.
Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang xâm lấn cơ bàng quang, phương pháp điều trị tốt nhất là cắt toàn bộ bàng quang, tạo hình bàng quang mới bằng chính ruột non của người bệnh. Có thể điều trị hỗ trợ trước hoặc sau mổ bằng truyền hóa chất toàn thân (nếu thể trạng bệnh nhân cho phép).
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, hay gặp ở nam hơn ở nữ. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao có thể phòng ngừa được bằng cách bỏ thuốc lá. Có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang chẩn đoán. Tỷ lệ khỏi bệnh cao khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Ung thư bàng quang nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh cao. Triệu chứng đái máu toàn bãi (từ đầu đến cuối bãi đi tiểu), có thể kèm theo máu cục, nhưng lại không đau buốt có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh ở giai đoạn sớm. Đôi khi khối u trong bàng quang lại được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe.
Khi khối u phát triển đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị đái máu thường xuyên, đái khó do khối u to chèn ép, người gầy sút cân, nổi hạch bẹn 2 bên…
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư bàng quang người bệnh cần lưu ý là tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu đau, đau hông hoặc lưng, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hay do cục máu đông…
Thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Khói thuốc lá có chứa tới hàng nghìn chất hóa học độc hại và gần 70 chất có khả năng gây ung thư. Độc tố trong khói thuốc lá thâm nhập vào nước tiểu tích tụ quá lâu ở bàng quang, làm tổn thương lớp niêm mạc và hình thành ung thư. Vì vậy, người dân hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không hút thuốc lá ở nơi công cộng.