1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phù “tay voi” sau nạo vét hạch ung thư vú

(Dân trí) - Với bệnh nhân ung thư vú, nỗi đau không chỉ là việc cắt tuyến vú, mà “hậu” sau cắt, nhiều người ám ảnh bởi hội chứng “tay voi” sau phẫu thuật, khiến tay bị phù rất to (to hơn cả đùi), nứt, lở lét…

Tiến sĩ Lê Hồng Quang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Vú, Bệnh viện K cho biết, để điều trị ung thư vú, bệnh nhân sẽ phải cắt tuyến vú và vét hạch nách. Trong trường hợp bệnh nhân ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn, đã có nhiều hạch di căn thì bệnh nhân còn phải tia xạ vào vùng nách để phòng tái phát di căn.

“Việc phẫu thuật nạo vét hạch nách cộng với việc phải tia xạ để phòng di căn khiến đường dẫn lưu bạch huyết từ cánh tay về tuần hoàn chung bị ảnh hưởng, gây tình trạng bạch huyết ở tay dần dần ứ trệ, gây hiện tượng phù “tay voi”, khiến tay người phụ nữ sau phẫu thuật to lên rất nhiều, có những người kích thước tay còn to hơn đùi”, TS Quang cho biết.

Đáng nói, tỉ lệ bị phù “tay voi” khá cao. Thống kê tại Bệnh viện K cho thấy, có từ 15-30% chị em sau phẫu thuật ung thư vú bị biến chứng phù “tay voi”. Tùy từng trường hợp mà biến chứng phù “tay voi” xuất hiện sớm hay muộn. Có người sau mổ là có biểu hiện ngay, nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện muộn. Đáng nói, phù “tay voi” không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà có những trường hợp “tay voi” diễn tiến xấu, bệnh nhân buộc phải tháo khớp, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống.

Tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng biến chứng phù “tay voi” cho bệnh nhân ung thư vú bằng cách phát hiện bệnh sớm. Bởi phát hiện bệnh khi hạch nách chưa di căn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật và không cần thiết phải vét hết tất cả các hạch vùng nách mà chỉ tiến hành lấy một hạch duy nhất gọi là hạch cửa (còn gọi là hạch lính gác) - hạch có nguy cơ di căn cao nhất để xét nghiệm.
 
Hình ảnh hạch cửa được pháp hiện nhờ phương pháp sử dụng đồng vị phóng xạ.
Hình ảnh hạch cửa được pháp hiện nhờ phương pháp sử dụng đồng vị phóng xạ.
Đám hình tròn đen lớn là vị trí tiêm thuốc, còn đám nhỏ có mũi tên chỉ là hạch cửa.
 
“Kết quả xét nghiệm hạch cửa mà chưa có di căn thì khả năng di căn của các hạch khác hầu như không có. Vì thế sẽ không cần nạo vét hạch nách, đỡ thời gian phẫu thuật, chi phí, tránh nguy cơ biến chứng tay voi, tê bì vùng cách tay, thậm chí liệt cánh tay...", tiến sĩ Quang nói.
 
Theo TS Quang, đây là một kỹ thuật mới đã ứng dụng thành công tại BV K. Tuy nhiên, cũng vì là phương pháp mới nên nhiều người bệnh và cả bác sĩ đều băn khoăn, bởi từ trước đến nay, với bệnh ung thư vú đều phải cắt tuyến vú và vét hạch nách rộng và sạch. 
 
“Nhiều người có tâm lý lo sợ độ an toàn của phương pháp mới này. Thực tế, phương pháp này mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã được ứng dụng hơn 10 năm nay. Các kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy hạch cửa mang tính đại diện, phản ánh đúng tình trạng di căn. Những hạch âm tính thì việc vét hay không vét không khác nhau về tiên lượng. Vì thế, khi có kết quả xét nghiệm hạch cửa mà không di căn thì gần như chắc chắn, khả năng di căn của cách hạch khác hầu như không có. Khi đó, bệnh nhân sẽ không phải trải qua cuộc phẫu thuật nạo vét hạch nách rộng, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt là phòng ngừa biến chứng phù “tay voi”, TS Quang nói.

Tuy nhiên, phương pháp sinh thiết hạch cửa này chỉ áp dụng khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chưa có di căn. Còn hạch nách đã di căn thấy rõ thì buộc phải tiến hành vét hạch nát và tia xạ. Vì thế, chị em phụ nữ nên thường xuyên tự khám vú để phát hiện bất thường ếu có để kịp thời đi khám, phát hiện bệnh sớm.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm