1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phù Quinkce có thể gây tử vong

(Dân trí) - Phù Quinkce là một thể đặc biệt của bệnh mề đay. Bình thường, nếu chỉ nằm ở ngoài da, nó không gây biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu bị phù Quinkce ở thanh quản, phế quản… sẽ khiến bệnh nhân khó thở, bị suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Vũ Văn Tiến, khoa Da liễu Viện Quân y 103 cho biết, với những người có cơ địa mẫn cảm rất hay bị các bệnh về da do tác động của nhiều yếu tố, trong đó, tỷ lệ người mắc bệnh ban mề đay khá cao.

 

Mề đay có thể xảy ra ở các mùa khác nhau, tuỳ cơ địa của từng người, riêng trong mùa đông, thời tiết lạnh khiến tình trạng bệnh ban mề đay nặng hơn và tần số xuất hiện cũng nhiều hơn.

 

Ban mề đay ở mức độ nhẹ, trên da xuất hiện một vài chấm nốt, nhưng những nốt này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn từ 1 đến vài tiếng rồi lại mất. Nặng hơn là các đám nhỏ, lớn với nhiều hình thù khác nhau như tròn, bầu dục, hình bản đồ... 

 

Theo bác sĩ Tiến, bệnh da do thời tiết khiến người bệnh khó chịu nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, phù Quinkce là một thể của ban mề đay nếu cư trú ở họng, thanh quản có thể khiến người bệnh bị tử vong.

 

Cùng quan điểm của bác sĩ Tiến, bác sĩ Đỗ Trương Thanh Lan, khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, nếu mề đay là những nốt nhỏ, chỉ gây những tổn thương bên ngoài da thì không mấy nguy hiểm. Nhưng nếu xuất hiện những nốt lớn, phù nề to, dày, có thể làm sưng vùng da bị mề đay. Nếu bị ở vùng cổ, mặt sẽ khiến mặt, môi, mắt... bị sưng phù. 

 

Bác sĩ Lan cho biết, nguy hiểm nhất khi đám mề đay to (còn gọi là phù Quinkce) xuất hiện ở thanh quản và ruột. Phù Quinkce khu trú ở thanh quản gây phù nề thanh phế quản làm cho bệnh nhân rất khó thở, thở gấp, thậm chí làm suy thở cấp và có thể gây tử vong ngay. Còn nếu phù Quinkce cư trú ở ruột sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột gây đau bụng, đi ngoài và nôn.

 

Nguời bệnh có thể phát hiện những đám mề đay khu trú tại những điểm đặc biệt và nguy hiểm này như thế nào? Theo bác sĩ Lan, nếu mề đay khu trú ở thanh quản đến khi gây khó thở rồi mới phát hiện thì tình trạng bệnh lúc này đã rất nặng, điều trị càng khó khăn và kém hiệu quả hơn. Do vậy, người có cơ địa dị ứng, hay bị mề đay, khi thấy những đám mề đay lớn xuất hiện trên da khác bình thường nên nhập viện điều trị để giảm nguy cơ bị mề đay thanh quản.

 

Với những trường hợp nổi mày đay lớn ở ruột, theo bác sĩ Tiến, nó thường có biểu hiện là những nốt tấy đỏ xuất hiện ngoài da kèm theo đau bụng. Khi có triệu chứng này, cần có sự can thiệp ngay lập tức của bác sĩ.

 

Dùng thuốc không có tác dụng phòng tránh ban mề đay cũng như nhiều bệnh dị ứng khác. Do vậy, những người có cơ địa nhạy cảm, bị mê đay khi thời tiết thay đổi, khi gặp gió, lạnh… cần phòng ngừa các dị nguyên gây bệnh bằng cách mặc ấm, tránh gió, sống trong phòng thoáng khí… Người bị mề đay cũng cần hạn chế một số chất cay; chất tanh như tôm, cua, cá, ốc, da gà; các chất kích thích như rượu bia, chè, cà phê…

 

Hồng Hải