Phụ nữ TPHCM lọt nhóm sinh ít nhất nước: Số liệu nói lên "điều cảnh báo"
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, tỷ lệ tăng dân số cơ học của địa phương trong năm 2023 là 0,68%. Đây cũng là nơi được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp trong cả nước.
Mức sinh thấp và những số liệu cảnh báo
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của địa phương đến cuối năm 2023 là 0,73%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%.
Thông tin này được đưa ra tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2024, kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7, diễn ra sáng cùng ngày.
Nhìn chung, quy mô dân số thành phố tăng chậm (tính đến cuối năm 2023 đạt hơn 9,4 triệu người). Năm 2023, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%.
TPHCM đã kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, với tỷ số giới tính duy trì ở mức 106-107 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của địa phương cũng được tăng cường. Tuổi thọ trung bình của người dân thành phố đến năm vừa qua ở mức khá cao là 76,5 tuổi (so với cả nước 73,7 tuổi).
Tuy nhiên theo ông Châu, trong năm 2023, tổng tỷ suất sinh của TPHCM là 1,32 con.
Đây cũng chính là số liệu mang tính cảnh báo cho việc xem xét và điều chỉnh lại các hoạt động thích ứng của ngành dân số thành phố ngay trong thời điểm hiện tại.
Mức sinh thấp là một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết, bên cạnh những vấn đề khác như già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số...
Tuyên truyền 4 vấn đề dân số của TPHCM
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề dân số, như: việc nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, tham gia các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thống kê cho thấy, TPHCM hiện được xếp vào nhóm 21 tỉnh thành có mức sinh thấp trong cả nước.
Trong điều kiện kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, từ ngày 7/7 đến ngày 31/8.
Các hoạt động của Chiến dịch nhằm giúp cho người dân được tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số có chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, chiến dịch cũng tổ chức cao điểm tuyên truyền 4 vấn đề dân số của thành phố.
Một là những hệ lụy của vấn đề mức sinh thấp kéo dài gây ra. Hai là tầm quan trọng, ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Ba là lợi ích của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Bốn là thách thức, vấn đề gặp phải khi TPHCM bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Mới đây, trong Tờ trình Chính phủ về nội dung đề nghị xây dựng Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng. Đề xuất này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện một số tỉnh thành phố có mức sinh thay thế thấp, tuy nhiên cũng có nhiều địa phương đạt mức sinh thay thế cao.
Do đó, nhiệm vụ của Bộ Y tế là điều chỉnh đề án làm sao đảm bảo phù hợp, để Việt Nam duy trì mức sinh thay thế, không để xảy ra tình trạng giảm mức sinh mà không thể khôi phục như một số quốc gia khác.
"Chúng tôi dự kiến trong Luật Dân số không quy định cụ thể về số con mà mỗi gia đình sẽ có. Thay vào đó, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế và đảm bảo cơ cấu dân số vàng", Thứ trưởng Liên Hương cho hay.