1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ dễ mắc bệnh lao

(Dân trí) - “Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, cũng là lực lượng lao động chính trong gia đình và xã hội. Phụ nữ hay bị lây nhiễm bệnh lao vì hằng ngày tiếp xúc, gần gũi để chăm sóc chồng con và các thành viên khác trong gia đình”.

Nhận định trên được Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh nhấn mạnh tại hội thảo “Tuyên truyền về bệnh lao cho Hội Phụ nữ” do Sở Y tế TP Cần Thơ và Tổ chức USAID phối hợp tổ chức ngày 21/3 tại TP Cần Thơ.

Theo ông Huỳnh Văn Nhanh cho biết: Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên thế giới. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc và gần 30.000 người chết do bệnh lao; có khoảng 6.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và khoảng 7.400 bệnh nhân lao/HIV; tỷ lệ nhiễm lao cao, cứ 5 người có 2 người bị nhiễm lao nhưng chưa thành bệnh, có khoảng 7% số người mắc bệnh lao không điều trị do tâm lý còn mặc cảm e ngại.

Cũng theo ông Nhanh, năm 2011 tại Cần Thơ, lao các thể được phát hiện là 167 ca/100.000 dân, lao phổi là 144 ca/100.000 dân. “Trong khi đó, những năm gần đây, bệnh lao kháng thuốc, đặc biệt là bệnh lao kháng đa thuốc và bệnh lao siêu kháng thuốc đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới đe dọa thành quả của chương trình chống lao toàn cầu”, ông Nhanh nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của bệnh lao, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP Cần Thơ, cho hay: do bệnh HIV còn phức tạp, sự lãng quên của nhân loại, di dân tự do giữa các quốc gia, vùng miền; hệ thống cơ sở y tế xuống cấp, nghèo đói. Ngoài ra, nguyên nhân làm gia tăng lao kháng thuốc chủ yếu do điều trị không đều hoặc điều trị không đúng phác đồ, bệnh nhân thấy khỏe nên tự ý bỏ thuốc, thầy thuốc chỉ định phác đồ không đúng, tiếp liệu thuốc không liên tục.

Bà Nhàn nhấn mạnh: Thách thức chương trình chống lao tại Việt Nam hiện nay là lao đa kháng thuốc còn ở mức cao; nguồn nhân lực đang ở mức báo động đỏ; hệ thống y tế tuyến huyện có 50% số cán bộ chống lao là mới và chưa được đào tạo; cán bộ làm công tác chống lao già đi không có người thay thế trong khi đó bệnh lao lại đang “trẻ lại”; hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa có thể là trở ngại cho việc phát hiện bệnh lao.

Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ dễ mắc bệnh lao
Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ dễ mắc bệnh lao (ảnh minh họa)

Theo bà Nhàn, qua thống kê của WHO, lao là bệnh gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Phần lớn phụ nữ mắc lao và tử vong do lao là ở độ tuổi sinh đẻ. Phụ nữ ở độ tuổi này dễ mắc là do sự vất vả mang thai, cho con bú và gánh nặng nhiều công việc trong cuộc sống gia đình. Giai đoạn mắc và hay mắc nhất là giai đoạn sau sinh và cho con bú.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh nhận định: Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số, cũng là lực lượng lao động chính trong gia đình và xã hội. Phụ nữ hay bị lây nhiễm bệnh lao vì hằng ngày tiếp xúc, gần gũi để chăm sóc chồng con và các thành viên khác trong gia đình. Tác động đến phụ nữ là tác động đến toàn gia đình và cộng đồng.

“Nếu phụ nữ được nâng cao hiểu biết và có kiến thức đầy đủ về bệnh lao và cách phòng chống bệnh lao thì không những bảo vệ được sức khỏe cho bản thân mà còn bảo vệ được sức khỏe cho các thành viên khác trong gia đình”, ông Nhanh nói.

Ông Huỳnh Văn Nhanh đánh giá, những con số và tác động trên cho thấy nhiệm vụ phòng chống bệnh lao còn rất nặng nề với nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy công tác phòng chống lao rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng với sự quan tâm đúng mức hơn, thực chất hơn của các cấp chính quyền, nhất là ở các cơ sở.

Ông Nhanh cũng đề nghị, Hội phụ nữ các địa phương cần chọn các hình thức hoạt động phù hợp như chỉ đạo các cấp hội cơ sở tuyên truyền đến tổ dân cư, đến từng gia đình các kiến thức phòng tránh căn bệnh này.

Huỳnh Hải