WHO: Tiềm ẩn đại dịch lao từ trẻ em

(Dân trí) - “Tỉ lệ tử vong hiện đã giảm 40% so với năm 1990 nhưng nguy cơ đại dịch mới đang hiện hữu khi rất nhiều trẻ có nguy cơ nhiễm lao đang bị “lãng quên” ở hầu hết các nước”, TS Mario Raviglione, GĐ Ban Loại trừ lao phổi (WHO), cho biết.

WHO: Tiềm ẩn đại dịch lao từ trẻ em

Khi người lớn mắc bệnh lao, trẻ em sống cùng với họ cần được đưa đi kiểm tra
Chi phí rẻ cho 1 chương trình điều trị hiệu quả

 

“Hai trăm trẻ em chết vì bệnh lao mỗi ngày. Chi phí tiền thuốc dự phòng chỉ khoảng 600 đồng/ngày và khoảng 10.000 đồng/ngày cho việc điều trị.

 

Tuy nhiên, trước khi làm được điều này thì phải tìm ra những trẻ có nguy cơ mắc lao. Và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chính phủ, các tổ chức xã hội và tư nhân cùng hợp tác.

 

Hãy cùng thống nhất rằng: Thật là vô lương tâm khi để cho 1 đứa trẻ chết vì bệnh lao”, Lucica Ditiu, Tổng thư ký của tổ chức Đối tác loại trừ bệnh lao (STBP), nói.

 

Bệnh lao có thể rất khó chẩn đoán

 

Một vấn đề khác là lao có thể rất khó chẩn đoán. Trong khi các nước phát triển sử dụng các xét nghiệm lao đã cũ thì ở các nước đang phát triển, các phương pháp phát hiện lao đã có từ cách đây 130 năm.

 

Phải lấy mẫu đờm của bệnh nhân rồi kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các vi khuẩn gây bệnh lao. Rất khó để lấy mẫu đờm ở trẻ nhỏ và ngay cả khi lấy được mẫu thì cũng thường không phát hiện thấy vi khuẩn.

 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều trường hợp mắc lao ở trẻ được phát hiện (nhiều hơn so với dự kiến) khi các chương trình phát hiện trẻ bị lao bắt đầu. Như tại Karachi (Pakistan), chỉ trong 1 năm (2011), số trẻ phát hiện mắc lao phổi tăng 600%. Một nghiên cứu khác gần đây tại Bangladesh cho thấy số lượng trẻ tìm thấy mắc bệnh lao tăng lên gấp 3 lần khi các nhân viên y tế được đào tạo về bệnh lao ở trẻ em.

 

Hành động để cải thiện chăm sóc bệnh lao

 

WHO và Đối tác loại trừ bệnh lao cùng thống nhất 3 hành động then chốt giúp cải thiện việc chăm sóc và ngăn ngừa tử vong lao ở trẻ em:

 

- Kiểm tra tất cả trẻ em sống trong gia đình có người mắc lao. Nếu trẻ bị bệnh hoặc đang sống chung với HIV thì cần điều trị lao ngay khi trẻ có dấu hiệu, triệu chứng dù không thể làm xét nghiệm ngay.

 

- Cung cấp thuốc điều trị dự phòng isoniazid cho tất cả trẻ em có nguy cơ bị bệnh lao.

 

- Đào tạo tất cả các nhân viên y tế đang chăm sóc cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em để họ biết cách phát hiện, kiểm tra khi thấy có nguy cơ, dấu hiệu và triệu chứng.

 

Trẻ em – Những nguy cơ đặc biệt từ lao

 

Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh như viêm màng não lao (gây mù, điếc, liệt hay tâm thần), mắc lao đa kháng thuốc (đòi hòi điều trị kéo dài, tốn kém với các tác dụng phụ do thuốc rất nặng) và cũng rất dễ tử vong.

 

Ít nhất một nửa triệu trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh lao mỗi năm và khoảng 70.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Trẻ dưới 3 tuổi và những người bị suy dinh dưỡng hay suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất.

 

Thuốc chủng ngừa duy nhất hiện đang có sẵn cho bệnh lao là vi khuẩn Bacillus Calmette-Guérin (BCG), trong đó cung cấp bảo vệ hạn chế chống lại các hình thức nghiêm trọng của bệnh lao, chẳng hạn như viêm màng não lao, ở trẻ nhỏ.

 

Tuy nhiên, BCG không tạo sự bảo vệ lâu dài chống lại bệnh lao phổi và không an toàn cho sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. Các nhà khoa học đang tích cực tìm kiếm một loại vắc-xin đầy đủ hiệu quả để bảo vệ trẻ em và người lớn chống lại tất cả các hình thức bệnh lao.

 

Hơn 30% dân số thế giới đang nhiễm lao

 

Theo báo cáo 2011 của WHO về Kiểm soát lao toàn cầu, mặc dù tình hình bệnh lao có chiều hướng thuyên giảm từ năm 2006, tỉ lệ mắc lao mới giảm từ năm 2002 nhưng hiện nay vẫn có khoảng 1/3 dân số đang bị nhiễm lao; Khoảng 1,5 triệu người tử vong/năm, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng và tình hình lao đa kháng thuốc đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia.

 

Năm nay thông điệp của ngày phòng chống lao thế giới (24/3/2012) là “Tôi muốn không còn ai chết vì bệnh lao” và “Tôi muốn một  thế giới không còn bệnh lao”.

 
Thu Phương

Theo WHO