Phòng “tai nạn” bất ngờ trong ăn uống ngày Tết
(Dân trí) - Chiều 30, đi ăn tất niên ở nhà bạn, ông N.H.V (Vĩnh Tuy, Hà Nội) được đãi loại rượu đặc biệt: Rượu dâu ngâm trộn lòng đỏ trứng gà, với lời mời nhấn mạnh rằng “rượu rất thơm ngon và tốt cho sức khoẻ”.
Mất Tết vì bất cẩn trong ăn uống
Trường hợp này được chính thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội đông y cứu chữaViệt Nam, cứu chữa ngày ông còn đang công tác tại bệnh viện Hữu Nghị. “Vì món rượu quá “lạ”, lại trong một hoàn cảnh đặc biệt là đêm giao thừa nên ấn tượng không thể quên nổi”, BS Hướng nói.
Ngoài bệnh nhân trên còn có 3 trường hợp rất đặc biệt mà BS Hướng trực tiếp cấp cứu và cũng rất nhớ hoàn cảnh, cũng từ nguyên nhân tai nạn rất bất ngờ trong ăn uống. Đó là một bệnh nhân nam, đã ngoài 60 tuổi vào viện trước giao thừa hai tiếng, trong tình trạng bụng căng hơi, đau bụng quằn quại nhưng không hề bị đi ngoài. Hỏi tiểu sử thì bệnh nhân này chiều 30 ăn tất niên với gia đình, các món ăn bình thường như mọi năm, không có món gì đặc biệt. Cả nhà ông đều ăn những món ăn đó nhưng không ai có biểu hiện gì.
Nhưng đặc điểm đau bụng của bệnh nhân, ở một vị trí duy nhất, rất đau khi ấn vào đó khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng có vật gì đó mắc tại vị trí đó. Sau khi thăm khám, siêu âm, chiếu chụp, các bác sĩ đã quyết định mổ dạ dày cho người bệnh. Khi mổ ra mới phát hiện ra là một miếng măng do chưa được nhai kỹ, đã không trôi tuột được vào dạ dày mà vướng chắn ngang tại hành tá tràng, chèn ép gây căng bụng, đầy hơi và khiến người bệnh đau đớn. Khi miếng măng này được lấy ra, người bệnh hết đau bụng nhưng cũng phải đón Tết trọn vẹn trong viện, đến hết nghỉ Tết mới được xuất viện.
Trường hợp thứ 2 rất đau lòng, người bệnh chết ngay sau khi được đưa tới viện. Khi được đưa tới viện, bệnh nhân này còn nồng nặc mùi rượu, say tuý luý và suy hô hấp. Dù đã được hết lòng tập trung cứu chữa, nhưng cuối cùng đã không thể cứu sống bệnh nhân này do ngộ độc rượu quá nặng.
Còn một trường hợp khác, là một cô gái, bị dị ứng ngay khi chưa kết thúc bữa ăn tại gia đình bạn trai. Chẳng là trong bữa ăn có món canh ngao nấu cải rất hấp dẫn so với các món quá béo ngày Tết như giò, chả, bánh chưng… nên cô rất “nhiệt tình” chọn món ăn này. Nhưng sau khi ăn được 20 phút, bữa cơm còn chưa dứt, cô gái bắt đầu xuất hiện các mảng mề đay to, đỏ trên mặt, tay… ngứa ngáy không chịu nổi. Lúc này cô mới xực nhớ cô vốn dị ứng tôm, thấy trên mâm cơm không có đồ hải sản nên cô yên tâm ăn. Không ngờ, món canh ngao này lại được nấu với gói bột tôm, nên cô mới gặp sự cố.
Cẩn trọng không thừa!
Theo BS Hướng, trong ngày Tết, gia đình nào cũng chuẩn bị rất nhiều món ăn mới lạ. Trong khi đó, cơ thể mỗi người khác nhau, người thì ăn được món này, người thì không thể ăn được món kia. Vì thế, mỗi người cần phải lựa chọn những món ăn phù hợp với cơ thể. Như với món bánh chưng, có người nghiền bánh chưng đến mức có thể ăn trừ bữa, nhưng cũng có người, chỉ ăn một miếng cũng ậm ạch đầy bụng cả ngày. Hay với canh măng là món ăn ngon, phổ biến trong ngày Tết, nhưng không phải ai cũng ăn được món canh này.
Những “tai nạn” thì luôn xảy ra rất bất ngờ, nhưng nếu biết cách phòng tránh sẽ giảm nguy cơ gặp những sự cố đó, nhất là trong ăn uống. Vì thế, trong mấy ngày Tết, dù món ăn rất phong phú, nhưng mỗi người cần ăn chừng mực, không ăn những thứ lạ với cơ địa, chưa từng ăn. Hoặc nếu ăn thì chỉ ăn “thăm dò” để xem phản ứng của cơ thể với thức ăn đó như thế nào rồi mới ăn tiếp. Cũng cần tránh ăn thức ăn nguội, thức ăn bị ôi thiu và cũng không nên uống quá nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Riêng với trẻ em, ở cái tuổi “lỡ cỡ” khó bảo, khó chiều, nhiều em nhất mực ăn theo ý thích. Hậu quả là rất nhiều trẻ đã phải nhập viện vì đầy bụng do uống nhiều nước ngọt có gas, rồi bánh kẹo, thậm chí mở mắt ra là bánh kẹo, cả ngày không có hạt cơm nào vào bụng. Vì thế, với lứa tuổi này, bữa ăn sáng trước khi đi chúc Tết là rất quan trọng, no bụng sẽ giúp trẻ hạn chế “nạp” các loại bánh kẹo, nước ngọt…
Hồng Hải