TPHCM:

“Phòng cúm không khéo sẽ tận diệt chim yến”

(Dân trí) - “Trên thế giới chưa có trường hợp nào chim yến nhiễm cúm. Chim yến chết cũng là chuyện bình thường vì các nguyên nhân khách quan. Việc kiểm dịch cần thận trọng. Không khéo, sẽ tận diệt cả đàn chim yến”.

Ngày 23/4, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu (thuộc Viện khoa học - Công nghệ Việt Nam) đã nêu quan điểm của mình về cách xử lý thông tin chim yến lây lan dịch cúm như trên.

Cần bình tĩnh

Nhiều nhà nuôi yến lao đao vì thông tin cúm A/H5N1
Nhiều nhà nuôi yến lao đao vì thông tin cúm A/H5N1

Việc xử lý đàn chim yến vì nghi ngờ lây lan cúm A/H5N1 tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều. Theo PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu thì việc chim yến chết là chuyện bình thường và trên thế giới hiện chưa có trường hợp nào chứng minh chim yến là nguồn nhiễm cúm.

PGS.TS Diệu Thu cho biết, năm 2012, có 1.000 con chim yến chết vì vệ sinh chuồng trại không tốt. Năm 2000, ngoài đảo yến cũng từng xảy ra vụ chim yến con chừng 10 ngày tuổi chết hàng loạt làm giảm 60% sản lượng. Trong nhà yến, chim yến chết là chuyện bình thường, nhất là những chim con, sức đề kháng yếu. Mỗi ngày, 5-7 con chim yến chết cũng là chuyện không có gì khó hiểu đối với người nuôi chim. Những nguyên nhân khiến chim yến chết có thể do phun thuốc, cũng có người dùng mấy xua đuổi chuột, gián nhưng lại khiến chim chết, vệ sinh nhà chim không tốt…

“Cần bình tĩnh để bảo vệ đàn chim, đừng thấy một con chim chết thì vội vã kết luận cả nhà nuôi chim có cúm…”, PGS.TS Diệu Thu nói.

Cũng theo PGS.TS Diệu Thu, việc lấy mẫu chim yến đưa đi kiểm dịch cần làm thận trọng, có mẫu lưu, lưu nhiều để làm chứng cứ pháp lý. “Quan điểm khoa học của tôi là nên làm chặt, có văn bản kết luận đóng mộc của các cơ quan kiểm dịch. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần công bố thêm một số công văn có pháp nhân trong vụ việc xử lý các đàn chim yến nghi nhiễm cúm A/H5N1 này. Quan điểm của tôi là cần bảo vệ đàn chim yến đang còn”, PGS.TS Diệu Thu nói.

PGS.TS Diệu Thu cũng cho biết, bình thường, thế giới lấy mẫu phân chim để phân tích, kiểm nghiệm còn ở ta thì lại còn lấy thêm mẫu chim chết, trong khi chim chết có nhiều nguyên nhân. Đó là chưa nói, có một nghiên cứu kết luận tổ yến có khả năng phòng ngừa bệnh cúm. “Chim yến bay suốt ngoài biển, có đậu ở đâu mà dính vi rút, vi trùng. Trên thế giới, chưa có trường hợp nào nói chim yến gây nhiễm cúm. Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến như chúng ta đang làm, không khéo sẽ tận diệt”, PGS.TS Diệu Thu cho biết thêm.
 
Trong khi đó, bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc thương hiệu Yến Việt cho biết, khi thông tin cúm xảy ra, doanh nghiệp đã chủ động tích cực sàng lọc các loại chim yến. “Chúng tôi làm như vậy vì lợi ích cộng đồng là trên hết chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Làm vậy cũng là để chim chết không còn, giữ lại đàn chim bố mẹ, chim khỏe. Bảo vệ đàn chim mà chúng tôi coi như những sinh linh bé bỏng chứ không chỉ là bảo vệ tài sản”, bà Loan nói.
 
Doanh nghiệp của bà Loan cũng đã chủ động diệt những chim con có sức đề kháng yếu. Tính đến nay, có khoảng 33kg chim con bị diệt (1kg chim con tương đương khoảng 100 con). Cơ quan chức năng đã đến nhà nuôi chim yến của công ty Yến Việt để lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Có 68 mẫu chim (chim sống, chim chết, phân chim…) được lấy gửi đi Cơ quan thú y vùng 6 và Phân viện thú y miền Trung. Tới giờ, chưa phát hiện mẫu phân chim nhiễm, chỉ có một mẫu chim sống dương tính, còn lại chỉ nhiễm ở mẫu chim chết. Tuy nhiên, tất cả chỉ là công bố trong các báo cáo qua lại của các sở ngành chứ chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan kiểm nghiệm có đóng dấu mộc gửi đến doanh nghiệp.

Thị trường yến sào lắng lại

Thông tin đàn chim yến ở Ninh Thuận bị tiêu diệt vì nghi là nguồn lây nhiễm cúm A/H5N1 khiến thị trường bán các sản phẩm từ chim yến bị sụt giảm. Một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này than thở: “Người tiêu dùng e dè khi mua sản phẩm yến sào vì nghe thông tin nhiễm cúm. Chính vì vậy, các cửa hàng của tôi đều bán rất chậm”.

Đối với các công ty sản xuất yến sào lớn ở Khánh Hòa thì cho rằng, việc đầu tư nuôi chim yến rất tốn kém. Thông tin yến bị nhiễm cúm như thế không chỉ gây khó khăn trong tiêu thụ nội địa mà xuất khẩu cũng rất khó khăn vì thị trường nước ngoài nghi ngờ sản phẩm yến sào Việt Nam đến từ vùng có dịch.

Trong khi đó, ông Lê Danh Hoàng, Giám đốc điều hành NutriNest thì bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng đây là cơ hội cho các nhà sản xuất yến sào uy tín. “Lâu nay, người tiêu dùng quen mua yến theo mối quan hệ mà không cần biết chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Nay, người tiêu dùng sẽ phải thận trọng và tất nhiên, họ sẽ chọn mua những thương hiệu uy tín”, ông Hoàng nói.
Đã có trường hợp dùng máy diệt chuột, gián nhưng làm chim yến chết nhiều
Đã có trường hợp dùng máy diệt chuột, gián nhưng làm chim yến chết nhiều

Tuy nhiên, đa phần các nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh yến sào bày tỏ mong muốn nếu kiểm dịch chim yến không phải là nguồn lây lan cúm thì cơ quan chức năng cần sớm công bố hết dịch để ổn định việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ loại sản phẩm này.

“Sản lượng yến trên toàn thế giới khoảng 3.750 tấn, doanh thu 6-7 tỷ USD. Trong khu vực Đông Nam Á có 5 nước nuôi được chim yến, đứng đầu là Indonesia, tiếp theo là Thái Lan, Malaysia… Malaysia mỗi năm sản xuất 275 tấn yến. Nước này đang đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ sản xuất 500 tấn, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD. Nhiều nước đang muốn phát triển nguồn tài nguyên này trong khi Việt Nam chúng ta mới sản xuất 10 tấn/năm. Với các ứng xử với đàn chim yến như thời gian qua thì chúng ta đang tự làm nghèo đi nguồn tài nguyên đang là thế mạnh của mình”, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu nói.

Công Quang