Phòng, chống lão hóa da
Da khô, bất thường về mầu sắc: tàn nhang, nốt ruồi nổi nhiều hơn, giảm hoặc tăng sắc tố. Da ngả vàng, xuất hiện những nếp nhăn và các rãnh sâu... Đó là những biểu hiện bên ngoài dễ nhận thấy của bệnh lão hóa da.
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, giảng viên bộ môn Da liễu ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp một số thông tin về hiện tượng này và các biện pháp ngăn ngừa lão hóa da.
Bảo vệ da dưới nắng
Phải thực hiện từ khi còn bé (vì tác hại của ánh nắng sẽ tích lũy dần). Hạn chế phơi da dưới nắng, đặc biệt vào những giờ có cường độ tia cực tím cao (từ khoảng 10 giờ -15 giờ). Ra đường vào giờ này nên đội nón rộng vành, đeo kính, găng tay, khẩu trang và dùng thuốc chống nắng để bảo vệ da.
Hiện nay đã xuất hiện dưỡng chất Stay-C (vitamin C) bảo vệ da và hoạt chất chống nắng Parsol SLX thế hệ mới - có thể bảo vệ da và tóc trước tổn hại do tiếp xúc nắng trời. Nó còn được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da trẻ em vì tính an toàn, không gây kích ứng.
Tạo nếp sống lành mạnh:
Tránh xa khói thuốc lá, không uống nhiều rượu, tập thể dục đều đặn, ăn uống cân bằng dưỡng chất.
Điều trị lão hóa da bằng các hoạt chất thoa
- Retinoids: giúp trị mụn, cải thiện nếp nhăn, giảm sự dày ráp của da, cải thiện tình trạng tăng sừng do ánh sáng, làm nhạt mầu các đốm nâu. Tác dụng phụ: khô, đỏ da, tăng nhạy cảm ánh sáng.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.
- Các chất chống oxy hóa: vitamin C, E, A, panthenol, niacinamide, ubiquinone, acid lipoic.
- Sản phẩm có nội tiết tố như estrogen, ethocyn, dùng cho phụ nữ mãn kinh, có kết quả sau 3 - 6 tháng điều trị.
Điều trị lão hóa da bằng can thiệp thủ thuật
Lột da, bào da, tái tạo da bằng laser CO2 hoặc laser YAG tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.
Ngoài ra, có thể dùng thêm vitamin A, C, E, selenium, estrogen... với sự tham khảo ý kiến, liều sử dụng với bác sĩ chuyên khoa.
Theo Nhân Dân