1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phòng chống dịch liên cầu khuẩn

(Dân trí) - Trước tình hình dịch liên cầu khuẩn ở lợn có nguy cơ lan rộng, Cục thú y Việt Nam chính thức công bố văn bản Hướng dẫn về các biện pháp kỹ thuật phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Phân biệt lợn bệnh

 

Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn  do một loài vi khuẩn có tên là Strepcoccus suis gây nên, hiện có 20 nhóm huyết thanh và 25 serotype khác nhau. Phần lớn các vi khuẩn gây bệnh trên lợn đều thuộc type 1 và type 2. Type 1 gây bệnh ở lợn nhỏ hơn 8 tuần tuổi, type 2 gây bệnh ở lợn thịt.

 

Đặc trưng của bệnh là gây viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hoá, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây xảy thai và gây chết đột tử ở lợn…

 

Vi khuẩn có thể tồn tại trong phân, bụi bẩn, xác lợn và ở cả những con ruồi trong một thời gian dài. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm trùng. Lợn con có thể bị lây nhiễm từ lợn mẹ qua đường hô hấp, đường tiêu hoá, đường máu.

 

Bệnh do liên cầu khuẩn gây ra ở lợn khó nhận biết, khó phân biệt với các bệnh do nhóm cầu khuẩn gây nên, nhất là khi có hiện tượng kế phát, bội nhiễm của một số bệnh khác.

 

Lợn mắc bệnh thường có triệu chứng sốt cao 40 - 41,5oC, ủ rũ, biến ăn, có biểu hiện thần kinh như run rẩy, đứng không vững, liệt, ngoài ra còn có biểu hiện khác như viêm khớp, viêm khí quản, viêm phổi và bị chết đột ngột.

 

42 người mắc bệnh do liên cầu khuẩn lợn

 

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay cả nước có 42 người mắc bệnh do liên cầu khuẩn lợn thuộc serotype 2 (Streptococcus suis type 2), trong đó có 2 người đã tử vong ở 2 thể bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

 

Tại Thừa Thiên Huế có 2 trường hợp nghi nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn đã có 1 người tử vong. Hiện đang gửi mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Kết quả điều tra  sơ bộ của Cục Thú y ở một số người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn ở lợn ở một số tỉnh phía Bắc đều cho thấy họ có tiếp xúc với lợn mắc bệnh như: chăn nuôi lợn bệnh, giết mổ, xử lý, tiêu huỷ lợn bệnh, ăn thịt lợn bệnh, ăn tiết canh lợn (nhiều trường hợp do ăn tiết canh lợn).

 

Triệu chứng: Khi bị nhiễm Streptococus suis, người bệnh cũng biểu hiện triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ chết có thể tới 7%.

Việc truyền bệnh từ lợn bệnh sang người có thể do các vế thương ở da, đường hô hấp tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh. Những người dễ nhiễm bệnh từ lợn gồm những người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết. Thời gian nung bệnh ngắn từ vài giờ đến 3 ngày. Các trường hợp nhiễm bệnh thường đơn lẻ, do đó không có báo cáo tổng hợp đầy đủ ở các nước trên thế giới.

 

Các biện pháp phòng ngừa

 

Để chủ động phòng chống, không để dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn và lây lan sang người  Cục Thú y đề nghị các Chi cục Thú y thực hiện các biện pháp phòng ngừa:

 

-Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh.

 

- Kiểm soát nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật vận chuyển qua biên giới, đặc biệt là vận chuyển lợn qua biên giới Việt – Trung ở các tinh phía Bắc.

 

- Không mua, bán lợn bệnh, không mua, bán, ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc, không giết mổ lợn bệnh, không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín, không ăn thịt lợn ốm, chết. Chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm soát và đóng dấu trên thân thịt.

 

 - Người chăn nuôi nên chọn con giống rõ nguồn gốc, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, chuồng trại thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

- Người giết mổ, tiêu huỷ lợn bị bệnh phải có biện pháp đề phòng bệnh liêu cầu khuẩn lây sang người như sau: những người có tổn thương ở tay, chân, bệnh ngoài da ... không được giết mổ lợn. Phải có trang bị bảo hộ tối thiểu khi giết mổ lợn như găng tay, khẩu trang. Sau khi giết mổ lợn phải rửa chân, tay bằng nước xà phòng đề phòng bệnh lây sang người. 

 

P. Thanh

Theo website Cục Thú y Việt Nam