Bình Định:
Phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm từ hoạt động nuôi chim yến sang người
(Dân trí) - Để phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A (H5N1), Sở Y tế Bình Định vừa ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây nhiễm từ động vật sang người trong hoạt động nuôi chim yến.
Theo đó, khi chưa có dịch bệnh trên đàn chim yến, cần tăng cường hoạt động giám sát, dự phòng. Trường hợp có bệnh, dịch bệnh trên đàn chim yến, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Trong thời gian có dịch, tất cả tổ yến được khai thác từ những địa phương đã công bố dịch phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền trước khi tiêu thụ.
Cơ quan chuyên ngành thú y của địa phương phối hợp chính quyền địa phương, người chăn nuôi chim yến xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm; vệ sinh tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi chim yến; tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong đàn bị bệnh.
Cơ sở y tế giám sát vùng có dịch khi các mẫu chim yến dương tính với H5N1, và nếu có bệnh nhân thì nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị nhiễm vi rút này tiến hành các xét nghiệm kịp thời phát hiện bệnh.
Trong trường hợp có bệnh, dịch bệnh ở người, Sở Y tế yêu cầu thành lập và củng cố đội điều tra, xử lý ổ dịch; thành lập đội đáp ứng nhanh các tuyến sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
Thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và cách ly tất cả những bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng nghi do vi rút, bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm cúm có nguồn gốc từ chim yến.
Lập danh sách và quản lý, theo dõi sức khỏe tại gia đình những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc chim yến bị bệnh trong 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
Ngoài ra, cần xử lý môi trường tại khu vực có người được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A (H5N1) có liên quan đến dịch bệnh trên đàn chim yến (gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch) cần phun hóa chất khử trùng trong phạm ổ dịch bằng Cloramin B với nồng độ 2-5%. Thời gian thực hiện càng sớm càng tốt. Tiến hành phun 2-3 lần cách nhau 2-3 ngày...
Biện pháp phòng chống dịch cúm A(H5N1) cho cộng đồng
- Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm, chim chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.
- Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm, chim nghi bị bệnh cúm.
- Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm, chim bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.
- Dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
Doãn Công