Phi công người Anh mắc Covid-19, ca bệnh điển hình đề kháng kháng sinh
(Dân trí) - Nam phi công người Anh mắc Covid-19 là trường hợp điển hình bị kháng với tất cả các loại kháng sinh tại Việt Nam. Vi khuẩn đa kháng thuốc đang là nỗi ám ảnh với cả người bệnh và bác sĩ điều trị.
Vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh tại Việt Nam
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, những năm 2010 trung bình cứ 1.000 người nhập viện thì mỗi ngày có 5 người nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Nỗ lực kiểm soát của bệnh viện đến nay đã kéo giảm tỷ lệ nhiễm xuống còn 2,6 người nhiễm/1.000 ca bệnh. Tuy nhiên, ở các nước phát triển tỷ suất trên thấp hơn với trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 1/1.000 người bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện gần như là vấn đề không thể tránh được ngay cả tại các cơ sở y tế tốt nhất, tạo gánh nặng "khủng khiếp" lên lĩnh vực điều trị.
Chia sẻ thông tin về tình trạng vi khuẩn đa kháng thuốc, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nam phi công người Anh mắc Covid-19 được bệnh viện cứu sống là một ví dụ điển hình về kháng kháng sinh. Đây là bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sau đó chuyển sang Chợ Rẫy. Trong quá trình điều trị, người bệnh bị nhiễm hết loại vi khuẩn kháng thuốc này đến loại vi khuẩn kháng thuốc khác, trong đó có những loại không thể sử dụng được kháng sinh trong nước vì vi khuẩn kháng thuốc trên bệnh nhân đã kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có tại Việt Nam.
"Chúng tôi đã nỗ lực phối hợp cùng lúc 3 đến 4 loại kháng sinh trong điều trị cho người bệnh nhưng cũng không thể diệt được vi khuẩn kháng thuốc trên bệnh nhân khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, dù việc vận chuyển rất khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng chúng tôi đã phải cố gắng nhập những loại kháng sinh thế hệ mới nhất trên thế giới về để điều trị cho người bệnh. Sau khi được sử dụng những loại kháng sinh thế hệ mới thì việc cứu chữa bệnh nhân diễn ra thuận lợi, nam phi công - bệnh nhân 91 đã bình phục sức khỏe trở về quê hương" - TS.BS Quốc Hùng nhớ lại.
Đề kháng kháng sinh trên thế giới và tại Việt Nam đang diễn tiến vô cùng phức tạp, nhiều chủng vi khuẩn kháng gần như kháng tất cả các loại kháng sinh hiện hành đặc biệt là một số loại vi khuẩn trong bệnh viện.
Ngoài trường hợp nam phi công người Anh nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh từ nhiều cơ sở y tế chuyển đến trong tình trạng rất nặng. Nhiều bệnh nhân không thể qua khỏi vì diễn tiến bệnh ở mức nguy cấp vượt quá khả năng cứu chữa, nhiều trường hợp may mắn được bác sĩ phối hợp kháng sinh cứu sống khi đã cận kề cửa tử. Đề kháng kháng sinh là thực tế đang âm thầm diễn ra, nếu không hành động hôm nay, ngày mai nhân loại sẽ không còn thuốc điều trị.
Những nguyên nhân dẫn tới kháng kháng sinh
Phân tích chuyên môn của BS Quốc Hùng chỉ ra, nguyên nhân đề kháng kháng sinh không chỉ bắt nguồn từ y tế mà từ nhiều nguồn tổng hợp như việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong nông nghiệp, chăn nuôi. Vì lợi nhuận, người chăn nuôi sử dụng kháng sinh với liều rất cao và tránh lan để phòng trước nguy cơ nhiễm khuẩn trong giai đoạn ngắn cho vật nuôi để nó không bị mắc bệnh. Thực tế trên giúp vi khuẩn "tập luyện" từ trước ngoài môi trường, khi truyền bệnh cho con người vi khuẩn đã có sẵn gen kháng thuốc.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết còn hạn chế của người dân về việc điều trị bệnh đang gia tăng kháng thuốc. Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định về kiểm soát kháng sinh nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ nên bất cứ người dân nào cũng có thể mua kháng sinh ở tiệm thuốc tây. Thống kê cho thấy có tới trên 88% bà mẹ tại thành thị đã từng mua thuốc kháng sinh cho con uống, khu vực nông thôn tỷ lệ lên tới 93%.
Ngay trong việc điều trị tại các bệnh viện, việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp cũng đang tồn tại. Nhóm các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm thường là những người sử dụng kháng sinh rất chuẩn, tuy nhiên một số nhóm bác sĩ chuyên khoa khác trong những tình huống bất đắc dĩ xảy ra việc sử dụng kháng sinh có thể không phù hợp.
Do đó, TS.BS Lê Quốc Hùng cho rằng, Bộ Y tế cần có quy trình đầy đủ hướng dẫn điều trị bằng kháng sinh ngay trong bệnh viện để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị cho người bệnh. Tùy theo tình hình thực tế của các loại vi khuẩn kháng thuốc tồn tại trong bệnh viện mỗi cơ sở y tế sẽ áp dụng hướng dẫn ở mức độ phù hợp để mang lại hiệu quả tối ưu.
Đối với cộng đồng, ông khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cần phải có giải pháp để kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi. Nếu kiểm soát tốt được việc sử dụng kháng sinh, trường hợp không may mắc bệnh cộng đồng có thể giảm được các chi phí khi không phải chi trả những loại thuốc rất đắt tiền để điều trị vi khuẩn đa kháng. Việc điều trị thuận lợi sẽ tăng cơ hội cứu chữa bệnh nhân, rút ngắn thời gian nằm viện điều trị, trả lại cho người bệnh cơ thể khỏe mạnh sớm hòa nhập vào cuộc sống, trở lại với công việc lao động bình thường.