Phẫu thuật tim bẩm sinh, bác sĩ giỏi đang thiếu "đất dụng võ”
(Dân trí) - Trẻ mắc tim bẩm sinh có chỉ định phẫu thuật phải “xếp hàng” chờ, bác sĩ trình độ chuyên môn giỏi nhưng cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa tương xứng. Những tồn tại trên được kỳ vọng sẽ sớm khắc phục sau khi Trung tâm chuyên sâu can thiệp tim mạch trẻ em đi vào hoạt động.
Tim bẩm sinh là bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhưng có tỉ lệ tử vong rất cao, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội. Tại Việt Nam năm 2018 có khoảng 1,4 triệu trẻ chào đời thì có khoảng 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh trong đó khoảng 3.000 trường hợp bệnh nặng cần phải phẫu thuật.
Cùng với nhóm trẻ mới chào đời được phát hiện bệnh hàng năm, nhiều trường hợp mắc tim bẩm sinh nhưng chưa được can thiệp phẫu thuật vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến số trẻ chưa được phẫu thuật tim, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, tử vong trong cộng đồng là do sự quá tải bệnh nhi phẫu thuật tim tại các bệnh viện.
Chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM năm 2018 có tới hơn 10 nghìn trẻ đến khám, trong đó hơn 2.100 trường hợp nặng phải nhập viện. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế nên bệnh viện mới đáp ứng được hơn 1.000 ca thông tim và phẫu thuật tim, nhiều bệnh nhi có nhu cầu phẫu thuật đang trong danh sách chờ.
Với sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa như: Viện Tim (về phẫu thuật tim) Bệnh viện Chợ Rẫy (về thông tim can thiệp), Đại học Y Dược, BV Thống Nhất (về can thiệp điện sinh lý) và các chuyên gia hàng đầu thế giới về can thiệp tim mạch trẻ em đến từ các nước Mỹ, Singapore, Úc, Đài Loan – TQ, hiện nay BV Nhi Đồng 1 đã có đội ngũ các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch “hùng hậu” làm chủ được các kỹ thuật về gây mê, tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật, hồi sức, thông tim can thiệp, đặt máy tạo nhịp, điện sinh lý can thiệp, và không thể không nhắc đến các kỹ thuật siêu âm chẩn đoán, chẩn đoán tiền sản và điều trị nội khoa và quản lý ngoại trú bệnh nhân tim mạch.
Còn rất nhiều bệnh nhi mắc tim bẩm sinh chưa được can thiệp, phẫu thuật
Những tiến bộ trong can thiệp phẫu thuật tim thời gian qua đã kéo giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhi mắc các bệnh lý tim mạch. Trong 15 năm qua, đã có gần 11.000 trẻ được thông tim và phẫu thuật tại Nhi Đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tim tử vong giảm từ 10% xuống còn 0,7%. Sự hợp tác chuyển giao kỹ thuật từ các nước tiên tiến đã giúp bác sĩ thực hiện được tất cả các phẫu thuật tim bẩm sinh từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên, sự phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa tương xứng với bước tiến vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật khiến bác sĩ giỏi thiếu điều kiện “dụng võ” trong khi bệnh nhi vẫn phải đối mặt nguy hiểm trong thời gian chờ mổ.
Tại buổi lễ tổng kết chương trình tim mạch nhi (ngày 30/5), PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM cho biết: “Lĩnh vực tim mạch nhi trên địa bàn thành phố nói chung và tại Nhi Đồng 1 nói riêng, thời gian qua đã phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Đến nay, các kỹ thuật cao như điện sinh lý trong chẩn đoán và can thiệp, siêu âm chẩn đoán tiền sản, ECMO, MRI tim mạch đã được thực hiện thường quy".
Để tăng khả năng đáp ứng trước nhu cầu phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ, phát triển chuyên môn kỹ thuật, đào tạo trong nước và hợp tác quốc tế, PGS Tăng Chí Thượng cho biết, đến cuối năm 2020 Trung tâm chuyên sâu can thiệp tim mạch trẻ em xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải bệnh nhi tim mạch cần phẫu thuật, giúp các bé thụ hưởng những thành quả kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu các bệnh lý tim mạch ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.
Vân Sơn