Phạt trên 2,4 tỷ đồng sai phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
(Dân trí) - Sáng 30/9, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết từ đầu năm đến nay, số tiền xử phạt sai phạm liên quan đến thực phẩm chức năng là khoảng gần 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này chưa phản ánh hết được thực tế bởi thị trường TPCN rất rộng lớn.
Vi phạm tràn lan
Tại buổi gặp mặt báo chí sáng 30/9, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác Thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, từ đầu năm đến nay Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 172 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền trên 3,1 tỷ đồng.
“Trong tổng số tiền 3,1 tỷ đồng liên quan đến sai phạm an toàn thực phẩm thì có đến 80% là sai phạm về thực phẩm chức năng, gồm quảng cáo quá công dụng sản phẩm, quảng cáo không đúng nội dung được cấp phép, ghi nhãn sai quy định… Số tiền phạt sai phạm về TPCN trên 2,4 tỷ đồng; thu hồi 11 giấy xác nhận công bố ATTP, thu hồi hơn 50 giấy công bố quảng cáo, tạm dừng lưu thông 49 sản phẩm, thu hồi tiêu hủy nhiều sản phẩm khác…Tuy nhiên con số này chưa phản ánh hết thực tế thị trường TPCN rất sôi động”, ông Phong cho biết.
Ông Phong cho biết thêm, thời gian tới công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Riêng với thực phẩm chức năng, thời gian tới sẽ ban hành tiêu chuẩn điều kiện về sản xuất theo định hướng tiến tới bắt buộc phải tuân thủ GMP (theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, muộn nhất trong năm 2017 - 2018 Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn này với TPCN).
Lo ngại an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm) cho biết, tính đến 15/9, cả nước có 129 vụ ngộ độc, 3.600 người mắc 20 ca tử vong, số vụ giảm 12,8%, số mắc giảm 10,5%, số tử vong giảm 31%. Số vụ ngộ độc tập thể là 28 vụ (31 người mắc trở lên), không có tử vong, giảm 4 vụ.
Số vụ ngộ độc lớn là 111 vụ với 709 người mắc, giảm 15 vụ, số người mắc giảm hơn 300 người, tử vong giảm 10 người.
Dù số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn gia đình rất lớn, đã có 64/129 vụ ngộ độc xảy ra tại gia đình.
Điều này cho thấy việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn gia đình vẫn còn hạn chế, nhất là lạm dụng các thực phẩm không đảm bảo an toàn như vẫn ăn cá nóc, các loại côn trùng, nấm rừng…. Ngay việc chế biến, nhiều gia đình giao phó cho các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn của nhiều gia đình tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc.
“Thực trạng an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp vẫn là vấn đề nhức nhối. Bởi suất ăn công nhân quá rẻ, chỉ vài nghìn đồng 1 bữa. Trong khi đó, ngành y tế chỉ có thể hướng dẫn về dinh dưỡng, tuyên truyền để doanh nghiệp thấy vốn quý là sức khỏe công nhân nhưng suất ăn lại là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công nhân. Khi suất ăn tăng giá thì lương giảm, công nhân lại không chấp nhận. Suất ăn công nghiệp quá rẻ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm”, ông Phong nói.
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc tập thể tại các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ xảy ra do việc sử dụng các loại nguyên liệu trôi nổi, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm do các hộ gia đình sản xuất nhưng không được kiểm soát triệt để; việc vận chuyển, bảo quản, chế biến chưa đảm bảo, cộng thêm yếu tố thời tiết, do việc vận chuyển từ công ty chế biến đến nơi tiêu thụ…
“Có công ty cung cấp suất ăn cho 18 bếp ăn tập thể, nhưng khi kiểm tra, chỉ 10 cơ sở của công ty được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, còn 8 cơ sở không có giấy chứng nhận. Chúng tôi đã có công văn gửi chính quyền sở tại đề nghị nghiêm túc phê bình ban chỉ đạo tuyến huyện để tình trạng còn tồn tại cơ sở cung cấp suất ăn tập thể không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự việc chỉ vỡ lở khi xảy ra rủi ro gây ngộ độc cho công nhân, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về doanh nghiệp, về đơn vị quản lý an toàn thực phẩm của địa phương”, ông Phong nói.
Trước đó, nói về tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng những năm gần đây có chiều hướng giảm nhẹ song số người mắc lại tăng, diễn biến rất phức tạp khi ghi nhận rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm hàng trăm người mắc. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc tại các bếp ăn này.
GS Long cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, chi cục, ủy ban và của các công ty chưa đúng mức; suất ăn tại nhiều công ty có giá trị rất thấp (10.000-12.000 đồng) chưa kể lợi nhuận của nhà cung cấp nên giá trị thật của bữa ăn rất thấp so với giá cả thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó các cơ sở cung cấp suất ăn ngày càng nhiều, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP. Qua kiểm tra, sai phạm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn cho các KCN rất phổ biến với khoảng 19,1% không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, thậm chí mới đây phát hiện một công ty có 18 bếp ăn tập thể thì 8 bếp ăn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Ngoài ra, qua kiểm tra cũng phát hiện 16,7% cơ sở không đạt về điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn, 16,16% cơ sở vi phạm về lưu mẫu, 9,25% cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc…
Tú Anh