Phát hiện vi khuẩn tụ cầu trong thức ăn ở đám cưới làng quê gây ngộ độc 64 người
(Dân trí) - Chiều 16/7, ông Hoàng Văn Đức, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay qua lấy mẫu xét nghiệm ở vụ ngộ độc tập thể đám cưới ở thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, đã phát hiện ra vi khuẩn tụ cầu là nguyên nhân chính gây thức ăn nhiễm độc.
Theo đó, qua lấy các mẫu thức ăn còn lại ở đám cưới nhà ông Lê Minh (thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), do thức ăn đã đổ hết sau đám cưới, nên chỉ còn mẫu tôm chấy và hành phi (rải trên món xôi).
Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm – Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm nghiệm trong thời gian từ ngày 13-16/7 và có kết quả trong chiều nay. Ở cả 2 mẫu tôm và hành phi đều nhiễm vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus với thông số vượt ngưỡng 1,1.104 MPN/g.
Phiếu kiểm nghiệm mẫu hành phi và tôm chấy cho thấy có vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus vượt ngưỡng - là nguyên nhân gây ra nhiễm độc thức ăn
Ông Hoàng Văn Đức, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus vượt ngưỡng là nguyên nhân gây ra nhiễm độc thức ăn trong đám cưới, dẫn đến hàng loạt người dân đến dự ăn thức ăn vào bị ngộ độc.
Trước đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế tỉnh tiến hành lấy mẫu phân của 18 bệnh nhân ngộ độc để tìm vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kết quả ngày 15/7 không tìm thấy các vi khuẩn gây bệnh (Vibrio Cholerae, Salmonella, Shigella, E.coli) trong phân của bệnh nhân.
Kết quả xét nghiệm mẫu phân của 18 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm thì lại không thấy vi khuẩn gây bệnh
Trong chiều 16/7, có tổng số 71 bệnh nhân đã ra viện, còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 là 2 người.
Các bệnh nhân ngộ độc nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Hiện huyện Phong Điền cùng các ngành chức năng của huyện, tỉnh đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với nhà hàng H.Q. – đơn vị nấu cưới ở đám cưới gây ngộ độc tập thể làm 73 người nhập viện (trong đó có 64 người ngộ độc).
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện và 16 trạm y tế trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà ăn tập thể; đặc biệt là các nhà hàng chuyên tổ chức nấu tiệc cưới, hỏi,… Trong đó, yêu cầu các chủ nhà hàng không được dọn các loại thực phẩm tươi sống trong tiệc.
Yêu cầu các gia chủ trước khi cưới hỏi, phải báo với chính quyền địa phương để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Nếu gia chủ không báo thì chính quyền và trạm y tế xã cũng phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trước khi thức ăn được bày lên bàn tiệc, không để xảy ra tình trạng tương tự.
Như Dân trí thông tin, vào trưa 12/7 tại đám cưới nhà ông Lê Minh ở thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, sau khi ăn cưới xong thì rất nhiều người có triệu chứng chóng mặt, nhức đầu và nôn mửa.
Những người ăn đám cưới này (có cả các cháu nhỏ) sau đó đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cấp cứu vào chiều tối 12/7. Theo TS.BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện, các bệnh nhân khi vào viện có dấu hiệu của ngộ độc thức ăn, nhiều người bị nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt...
Qua thống kê, tổng số bệnh nhân vào viện là 73 người, trong đó ngộ độc là 64 người. Các bệnh nhân đã được chuyển đến các khoa gồm Hồi sức tích cực (17 người), Nhiệt đới (19 người), Nhi (5 người), Ngoại tổng hợp (6 người), Nội A (10 người), Nội B (7 người), Nội cơ xương khớp (9 người).
Có 73 người ăn cưới nhập viện (có cả các cháu nhỏ), trong đó có 64 người bị ngộ độc
Được biết bữa tiệc vu quy đám cưới ở nhà ông Lê Minh do bà Nguyễn Thị Quýt ở cùng thôn Hiền Sỹ nấu với các món gỏi tôm, gà, xôi tôm chấy…
Khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus được xem là 1 trong 3 tác nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới. Triệu chứng thường gặp ở các vụ ngộ độc do tụ cầu là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, có hoặc không tiêu chảy, ngoài ra còn bị đau đầu, chuột rút, thay đổi huyết áp. Triệu chứng ngộ độc xảy ra nhanh, từ 3-6 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm.
Hầu hết các vụ ngộ độc do tụ cầu là do quá trình chế biến hoặc bảo quản thực phẩm không tốt. Tụ cầu thường nhiễm trực tiếp vào thực phẩm do tay người chế biến bị trầy xước hoặc do ho, hắt hơi. Việc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ không phù hợp thì mỗi khi thực phẩm bị nhiễm tụ cầu, chúng sẽ tăng nhanh số lượng do tụ cầu phát triển được trong khoảng nhiệt độ từ 7-48 độ C. Điều đáng lo ngại là độc tố được tạo ra trong suốt quá trình phát triển của tụ cầu nhưng lại không gây ảnh hưởng đến cảm quan của thực phẩm, do đó ít được chú ý.
Đại Dương