Phát hiện và điều trị bệnh đục thuỷ tinh thể
Tôi 54 tuổi, gần đây mắt trái nhìn không rõ. Đi khám bệnh bác sĩ bảo bị đục thủy tinh thể, vậy bác sỹ có thể cho tôi biết nguyên nhân của bệnh và cách điều trị bệnh. (Ông Hoàng Văn Hùng, Bắc Giang)
TS.BS. Trần Hải Yến trả lời:
Chào Bác,
Có nhiều nguyên nhân làm cho thủy tinh thể bị đục: có thể do bẩm sinh, do bệnh toàn thân (ví dụ như tiểu đường, cao huyết áp…), do dùng quá nhiều các thuốc chứa thành phần Corticoid, do chấn thương hoặc bị đục sau một bệnh lý nào đó trong mắt v.v… Tuy nhiên, đục do tuổi tác vẫn là nguyên nhân thường gặp nhất.
Đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi xảy ra là do thủy tinh thể vốn được cấu tạo chủ yếu từ nước và protein. Theo thời gian, thành phần protein dần dần bị vón cục lại với nhau tạo thành những vùng mờ đục gây cản trở ánh sáng đi qua.
Đục thủy tinh thể là một phần của tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Kể từ tuổi 40, thủy tinh thể bắt đầu bớt đàn hồi và giảm tính trong suốt. Tuy nhiên, các dấu hiệu này có thể xuất hiện muộn hơn ở một số người.
Người lớn tuổi thường nghe nói mình đã bị đục thủy tinh thể, hay còn có các cách nói khác như là: có cườm đá hoặc cườm khô (cườm khô ở đây là tên gọi để phân biệt với cườm nước là bệnh tăng áp lực trong nhãn cầu). Hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể do tuổi tác thường hình thành từ từ. Do đó ở giai đoạn đầu có thể sẽ không nhận thấy bất kì sự thay đổi nào về thị giác.
Ở giai đoạn tiến triển, thủy tinh thể đục có thể gây ra các triệu chứng như:
- Nhìn mờ, tối đi nhưng không đau
- Thấy màu sắc nhạt hơn trước hoặc hơi ngả sang màu vàng
- Nhạy cảm với ánh sáng và bị lóa mắt
- Khó nhìn vào ban đêm hoặc khi ở nơi không đủ ánh sáng
- Thấy các quầng sáng xung quanh nguồn sáng
- Nhìn một thành hai ở một mắt nào đó
- Phải đổi độ kính thường xuyên hơn
Khi thấy mình có một trong các dấu hiệu trên, cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.
Khi bị đục thủy tinh thể, bác cần lưu ý một số điều sau:
- Bảo vệ mắt khỏi các tia cực tím bằng cách đeo các loại kính râm có khả năng chắn tia cực tím và đồng thời cần đội thêm mũ, vì tia cực tím là tác nhân thúc đẩy quá trình lão hóa của thủy tinh thể.
- Nếu có hút thuốc thì nên ngưng vì đó là yếu tố nguy cơ của đục thủy tinh thể.
- Tăng nguồn sáng mỗi khi đọc hoặc làm việc khác. Có thể sử dụng thêm kính lúp phóng đại.
- Hạn chế lái xe ban đêm nếu có gặp trục trặc về thị giác về đêm, bị lóa hoặc nhìn thấy quầng hào quang quanh nguồn sáng
- Kiểm soát tốt các bệnh toàn thân, đặc biệt là bệnh đái tháo đường
- Đổi kính mới để cải thiện thị lực. Khi các hoạt động thường ngày vẫn bị ảnh hưởng dù đã đổi kính thì sẽ cân nhắc đến phẫu thuật.
- Theo khuyến cáo của Hội nhãn khoa Mỹ:
▪ Dưới 65 tuổi: cần chủ động đi khám mắt mỗi 2 năm dù không có triệu chứng gì.
▪ Từ 65 tuổi trở đi: cần khám mắt mỗi năm một lần.
Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào có thể điều trị được đục thủy tinh thể. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp chữa khỏi bệnh này.
Phaco hiện là phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Hằng năm, ở nước ta có khoảng 300 000 mắt được phẫu thuật bằng phương pháp này.
Phương pháp Phaco có nhiều ưu điểm: gần như không đau và không chảy máu, vết mổ nhỏ sẽ tự lành, thị lực phục hồi nhanh, được xuất viện ngay trong ngày và rất ít biến chứng. Thời gian phẫu thuật thường chỉ diễn ra trong vòng 30 phút.
Thủy tinh thể bị đục sẽ được tán nhuyễn bằng sóng siêu âm tần số cao trước khi được hút ra. Sau đó, một loại kính nhân tạo trong suốt, làm từ chất liệu dẻo (còn được gọi là kính nội nhãn hay tên tắt tiếng Anh là IOL) sẽ được đặt vào trong để thay thế thủy tinh thể cũ. Kính này sẽ nằm vĩnh viễn trong mắt, giúp ánh sáng đi xuyên qua dễ dàng.
TS.BS. Trần Hải Yến
Phòng khám mắt HYEC – 31A Nguyễn ĐÌnh Chiểu, Q.1, TPHCM
Độc giả có thể trực tiếp đặt câu hỏi các bệnh về mắt và các phương pháp điều trị với TS.BS. Trần Hải Yến tại chuyên mục này: suckhoe@dantri.com.vn hoặc qua email info@haiyeneyecenter.com tại www.phongkhammathaiyen.com và theo số điện thoại 1800757576, 0913 666 665 và 08 66861396. |