Phát hiện ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 40, dù thường xuyên tập thể dục

Minh Nhật

(Dân trí) - Sở hữu cơ thể cường tráng nhờ đều đặn chạy bộ, chơi bóng 3 ngày/tuần, người đàn ông bất ngờ phát hiện mình mắc ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 40.

Anh Ming (Trung Quốc) năm nay 40 tuổi. Mỗi tuần, anh dành 3 ngày để chạy bộ hoặc chơi bóng. Chính vì siêng năng tập thể dục mà thể chất của anh rất cường tráng.

Đầu năm nay, anh Ming nhập viện khi có dấu hiệu bị cảm lạnh. Tuy nhiên, sau khi thăm khám có dấu hiệu khả nghi, các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang phổi và làm các xét nghiệm chuyên sâu, qua đó khẳng định anh này mắc ung thư phổi. Thậm chí, căn bệnh của anh Ming đã ở giai đoạn cuối.

Phát hiện ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 40, dù thường xuyên tập thể dục - 1

Khi biết về bệnh tình, bản thân anh Ming và gia đình đều hết sức bất ngờ. Họ khăng khăng rằng, anh không thể bị ung thư vì thường xuyên tập thể dục và sức khỏe rất tốt.

“Sức khỏe tốt, cơ thể cường tráng không có nghĩa là chắc chắn sẽ không bị ung thư. Mọi thứ đều có ngoại lệ”, bác sĩ điều trị cho anh Ming giải thích.

Vì bệnh của anh Ming đã ở giai đoạn cuối nên việc điều trị không còn quá nhiều ý nghĩa. Do đó, chỉ vài tháng sau, anh qua đời.

Theo các chuyên gia, sức mạnh chống ung thư phụ thuộc vào thể lực ở một mức độ nhất định, chứ không phải là hoàn toàn. Khả năng chống ung thư của con người còn đến từ nhiều yếu tố khác.

Làm thế nào để tăng cường khả năng chống ung thư?

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khởi phát của hầu hết các loại bệnh ung thư, là tác động hỗn hợp của gen, môi trường, chế độ ăn uống, sức khỏe tinh thần và các yếu tố khác.

Ngoài 2 yếu tố bất di bất dịch đầu tiên, các tác nhân còn lại đều có thể thay đổi theo hướng tích cực, dựa vào khả năng tự điều chỉnh của bản thân mỗi người.

Phát hiện ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 40, dù thường xuyên tập thể dục - 2

Ví dụ, về chế độ ăn uống, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra 5 khuyến nghị phòng chống ung thư thông qua thói quen sinh hoạt, ăn uống hợp lý, bao gồm: hạn chế mỡ động vật; tăng cường chất xơ thô; giảm ăn thịt; tăng rau quả tươi; tránh béo phì.

Về sức khỏe tinh thần, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các yếu tố xã hội có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con người.

Phát hiện ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 40, dù thường xuyên tập thể dục - 3

Stress mãn tính là một phản ứng sinh học đối với áp lực liên quan đến cảm xúc, tâm trạng trong một khoảng thời gian dài, có thể mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần. Những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe này có thể bao gồm: tăng nguy cơ mắc bệnh tim, các vấn đề về đường ruột, suy giảm nhận thức. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy rằng, stress mãn tính có thể kích hoạt một cơ chế thúc đẩy sự phát triển của các tế bào gốc ung thư có chức năng tạo ra khối u.

Vì vậy, theo các chuyên gia, muốn khỏe mạnh, tránh ung thư thì cần có một thái độ sống tốt, tinh thần lạc quan.

Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mắc mới, tỷ lệ mắc mới/100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và 114.871 ca tử vong do ung thư, tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư.