Cảnh giác với mầm mống ung thư phổi dễ lây lan nhưng thường bị bỏ sót
(Dân trí) - Mỗi năm, Việt Nam có thêm hơn 20.000 người mắc ung thư phổi. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan.
Mối liên quan giữa lao và ung thư phổi
Một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi ít được để ý đến chính là các bệnh phế quản ở phổi, điển hình là lao.
Lao là một bệnh nhiễm trùng, do vi khuẩn lao Mycobacteria tuberculosis. Không được phát hiện điều trị kịp thời, biến chứng có thể lao từ một cơ quan thành nhiều cơ quan.
Theo phân tích của các chuyên gia, dưới tác động của vi khuẩn lao, phổi sẽ bị tổn thương và hình thành các sẹo xơ. Sự xơ hóa của các mô phổi không chỉ ảnh hưởng đến chức năng phổi, mà còn làm tắc nghẽn mạch bạch huyết, gây tích tụ các chất sinh ung thư có thể dẫn đến ung thư. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư phổi tăng khoảng 7 lần ở những bệnh nhân xơ phổi, kể cả người không hút thuốc.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Trong năm 2019, đã có hơn 170.000 ca mắc mới lao phổi được ghi nhận và cũng có khoảng 9.400 người tử vong do lao.
Nếu được phát hiện sớm, khả năng khỏi bệnh với những trường hợp lao do vi khuẩn nhạy cảm thuốc lên tới 95%, lao kháng đa thuốc tỷ lệ khỏi cũng lên tới 65%-70%. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu bệnh không rõ ràng làm cho người bệnh, người nhà không chú ý. Thực tế này dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh lao.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu ghi nhận các triệu chứng bất thường như: ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, sút cân không rõ nguyên do, vã mồ hôi về đêm, sốt nhẹ về chiều, người dân cần đến các cơ sở y tế để có thể xác định rõ căn nguyên.
Khó khăn trong phòng, chống lao vì Covid-19
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống lao tại Việt Nam.
Cụ thể, nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, khi phải cùng lúc thực hiện nhiệm vụ chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động thường quy trong phòng, chống lao (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn...).
Vì Covid-19, số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của Chương trình Chống lao Quốc gia cũng không được diễn ra. Do đó, tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị… không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.
Dấu hiệu sớm nhận biết ung thư phổi
Trong 6 tháng đầu năm, Chương trình Chống lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được Chương trình tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của WHO. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Yên Bái (96%), Kon Tum (93%), Hậu Giang (99%).
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
- Ho: là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
- Khó thở: cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
- Đau ngực: hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
- Khàn tiếng: thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
- Các triệu chứng: đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mí măt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
- Hạch cổ: khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
- Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân ung thư phổi có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 40 đến 50%. Tuy nhiên, bệnh nhân bị ung thư phổi nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tiên lượng không mấy khả quan.