Phát hiện u hiếm gặp ở bệnh nhi co giật, ngất xỉu khi đói

(Dân trí) - Mỗi tháng co giật vài lần, mỗi ngày có thể ngất xỉu liên tục nếu bị bỏ đói, suốt 4 năm qua, cô bé được chẩn đoán mắc động kinh nhưng điều trị không mang lại kết quả. Tại Nhi Đồng 1, bác sĩ xác định bệnh nhân mắc u vùng đảo tụy hiếm gặp.

Sau hơn 4 năm hết điều trị tại các bệnh viện Miền Trung rồi ra đến bệnh viện tại Hà Nội nhưng chứng bệnh co giật, ngất xỉu của bé N.T.L.T. (13 tuổi, quê Gia Lai) không thuyên giảm. Gần đây, tình trạng co giật, ngất xỉu diễn ra với mật độ dày hơn, nên gia đình chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 với tâm lý đến bệnh viện cho “toại nguyện”.

BS Đào Trung Hiếu thăm khám cho bệnh nhi sau một tuần được phẫu thuật
BS Đào Trung Hiếu thăm khám cho bệnh nhi sau một tuần được phẫu thuật

Sau khi điều tra bệnh sử, thăm khám và kiểm tra hình ảnh bác sĩ đã loại trừ bệnh lý động kinh ở bệnh nhi vì không phát hiện các dấu chứng liên quan. Mặt khác, hình ảnh trên phim CT-Scan cho thấy vùng đảo tụy của bệnh nhi xuất hiện một khối u nhỏ.

Để xác định ràng bệnh lý cháu bé gặp phải, bác sĩ đã tiến hành đo đường huyết bệnh nhi trong 4 giờ liên tục. Kết quả cho thấy, đường huyết liên tục thấp, insulin trong máu tăng gấp 3 lần so với bình thường. Mặt khác, thông tin khai thác bệnh sử từ gia đình cho hay bệnh nhi phải ăn liên tục để tránh bị ngất do đói, mỗi lần bé ngất xỉu chỉ cần cho uống nước đường hoặc ăn kẹo ngọt là khỏe mạnh như chưa có chuyện gì xảy ra. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và đi đến thống nhất với kết luận chẩn đoán bệnh nhi bị u vùng đảo tụy (insulin oma) hiếm gặp.

Phân tích chuyên môn của BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra, đây là một bệnh lý hiếm gặp, 1 triệu người thì chỉ có khoảng 4 người có nguy cơ mắc. Bệnh rất dễ lầm lẫn với những bệnh khác (động kinh ở trẻ nhỏ và tai biến mạch máu ở người lớn). U vùng đảo tụy sẽ khiến insulin trong máu giảm, dẫn tới tình trạng thiếu gluco não gây đau đầu, lú lẫn, rối loạn hành vi, đặc biệt là co giật.

Cuộc phẫu thuật bóc khối u vùng đảo tụy cho bệnh nhi ngay sau đó được thực hiện. Gần 4 giờ tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ, ê kíp phẫu thuật đã bóc thành công khối u với đường kính 1,5cm. Sau khi lấy khối u, tất cả các chỉ số sinh hóa của bệnh nhi đều trở lại bình thường, đường huyết ổn định. Một tuần sau cuộc mổ, dù đã được thử nghiệm bằng cách cho nhịn đói, nhưng tình trạng co giật, ngất xỉu ở bệnh nhân không còn tái diễn.

Vân Sơn