Phát hiện thú vị: Càng ăn mặn càng bị đói

(Dân trí) - Theo quan niệm thông thường, càng ăn mặn sẽ càng khát. Nhưng theo 2 nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí The Journal of Clinical Investigation, điều này lại không hề đúng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng muối sẽ khiến người ăn uống ít nước hơn và chế độ ăn mặn cũng làm người ăn đói hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng muối sẽ khiến người ăn uống ít nước hơn và chế độ ăn mặn cũng làm người ăn đói hơn.

Trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế của TT Không gian Đức (DLR), TT Max Delbrück ĐH Vanderbilt cùng một số cơ quan khác đã xem xét 10 nam giới tham gia Mars500, một dự án của tổ chức Không gian châu Âu (ESA), Nga và Trung Quốc nhằm xem xét cơ chế tâm lý và sức khỏe của những người làm nhiệm vụ trên sao Hỏa.

Các đối tượng nghiên cứu sẽ bị cách ly, giống như đang trên sao Hỏa, trong thời gian dài để theo dõi tình trạng thể chất và tinh thần.

Trong 105 ngày trong “không gian”, các nhà nghiên cứu đã giảm muối từ 12 g/ngày xuống 9 g/ngày, rồi 6g/ngày với số ngày duy trì trung bình cho mỗi lần thay đổi là 29 ngày.

Trong 205 ngay tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm tương tự nhưng ngược lại, từ việc ăn 6g muối/ngày lên 12 g muối/ngày.

Cùng với đó, các đối tượng tham gia sẽ được đo lượng chất lỏng họ uống cũng như lấy mẫu nước tiểu hằng ngày.

Chúng ta thường nghĩ nếu muối làm cho 10 người này khát hơn thì họ sẽ uống nhiều nước hơn. Nhưng các ghi nhận cho thấy họ uống ít nước hơn khi lượng muối đưa vào thực phẩm tăng lên. Ở cùng thời điểm, họ lại ăn nhiều hơn và có nhiều muối trong nước tiểu hơn. Nhưng nước tiểu của họ cũng ít hơn, chứng tỏ cơ thể giữ nước nhiều hơn bình thường.

Một chế độ ăn nhiều muối thường liên quan với việc tăng lượng chất lỏng hấp thu. Đó là lý do tại các cơ quan y tế luôn cho rằng chế độ các thực phẩm chế biến sẵn góp phần vào đại dịch béo phì do nó kích thích chúng ta uống nhiều đồ uống có calo như nước ngọt. Nhưng những quan niệm đó chủ yếu dựa vào dữ liệu khảo sát chứ không phải các thử nghiệm thực tế.

Kỳ lạ cơ chế "đói vì ăn mặn"

Phát hiện thú vị: Càng ăn mặn càng bị đói - 2

Để hiểu rõ hơn những kết quả đáng ngạc nhiên từ nghiên cứu Mars500, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột. Họ chia chuột thành 3 nhóm, nhóm 1 ăn ít muối với nước máy, nhóm 2 ăn mặn hơn kèm nước máy và nhóm 3 ăn rất mặn và kèm nước có muối, trong 4 tuần liên tiếp.

Các nghiên cứu trên chuột cho thấy urê mà cơ thể sản sinh để loại bỏ nitrogen, đã tích tụ trong thận, chống lại tình trạng hút nước của muối. Nhưng việc tạo urê này lại tiêu tốn năng lượng. Điều này đã giải thích cho một phát hiện đáng ngạc nhiên: đó là những con chuột có chế độ ăn mặn không uống nhiều hơn mà lại ăn nhiều hơn. Có lẽ cơ thể chúng đang tìm kiếm nhiên liệu để tạo urê.

Tất nhiên, nghiên cứu này không thể trả lời cho vấn đề đang gặp ở các đối tượng tham gia nghiên cứu Mars500 nhưng nó đã gợi mở hướng nghiên cứu mới cho các nhà dinh dưỡng.

Trong thời gian chờ đợi, thay vì ăn khoai tây chiên rắc muối, hãy thay bằng một cốc nước lớn bạn nhé.

Nhân Hà

Theo popular science