Phát hiện thứ có thể “ru ngủ” ung thư hàng chục năm ngay trong xương chúng ta
(Dân trí) - Các nhà khoa học đến từ Trường đại học Thomas Jefferson, Bang Philadelphia, Mỹ đã phát hiện ra một nhóm tế bào xương đặc biệt có khả năng “ru ngủ” tế bào ung thư và khiến chúng ở trong tình trạng “ngủ đông” suốt hàng chục năm.
Nghiên cứu của nhóm tác giả này, được đăng trên tạp chí khoa học Breast Cancer Research, cũng đã chỉ ra mối liên kết giữa những tế bào xương này với sự quay trở lại của ung thư, cơ chế có thể dùng để giải thích vì sao nhiều bệnh nhân lại tái phát ung thư một thời gian rất lâu sau khi ung thư biến mất.
Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Karen Bussard cùng cộng sự đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra xem điều gì sẽ xảy ra nếu tế bào xương tiếp xúc với tế bào ung thư vú khi chúng di chuyển đến xương. Loại tế bào xương được sử dụng trong thí nghiệm này là nguyên bào xương chày - Có nhiệm vụ sửa chữa các tổn thương trên xương cũng như tổng hợp xương mới. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng tiến hành kiểm tra sự hiện diện của nguyên bào xương chày ở những bệnh nhân ung thư vú di căn đến xương.
Qua các thí nghiệm, nhóm tác giả phát hiện ra rằng, nguyên bào xương ở chuột và người đều có sự thay đổi khi chúng tương tác với tế bào ung thư vú di căn xương. Tuy nhiên, thay vì trở thành “cộng sự” với tế bào ung thư để đẩy nhanh quá trình di căn, như các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, nguyên bào xương lại ngừng các chức năng thường nhật của mình và bắt đầu sản xuất ra các nhân tố làm ngưng trệ sự phát triển của tế bào ung thư. Đặc biệt, Nhóm nghiên cứu quan sát thấy hiện tượng này ở trên các thụ quan của các loại ung thư vú được coi là nguy hiểm nhất.
Cần biết rằng, ung thư có khả năng đặc biệt là biến các tế bào lành lặn tiếp xúc với chúng trở thành nhân tố thúc đẩy cho sự phát triển của chúng. Ví dụ, tế bào ung thư có thể biến các tế bào miễn dịch, nhẽ ra là kẻ thù và sẽ tiêu diệt chúng, biến thành hộ vệ của chính tế bào ung thư. Cơ chế về khả năng đặc biệt này của tế bào ung thư đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo một nghiên cứu trước đây được đăng trên tạp chí khoa học “Science and Medicine”, nguyên bào xương của các bệnh nhân ung thư vú di căn đến xương giai đoạn cuối sẽ ngừng chức năng, điều này dẫn đến hiện tượng loãng xương, triệu chứng khá phổ biến ở loại ung thư này. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Karen Bussard và cộng sự, các nguyên bào xương ở giai đoạn đầu của bệnh có tính đối kháng mạnh mẽ với tế bào ung thư di căn đến xương. Như đã đề cập ở trên, sau khi tiếp xúc với tế bào ung thư, các nguyên bào xương sẽ nhanh chóng thích nghi và giải phóng các nhân tố làm ngưng trệ những kẻ xâm nhập này.
“Nhân tố mà nguyên bào xương tiết ra có khả năng thay đổi biểu hiện của tế bào ung thư bằng cách hồi phục lại protein p21, vốn đóng vai trò kiểm soát chu trình tế bào và có khả năng ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư” – Đại diện nhóm nghiên cứu phân tích.
Minh Nhật
Theo Cancer News