Phát hiện sớm các bệnh gây nhược thị ở trẻ em như thế nào?

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ (BV Mắt Hà Nội 2) cho biết, các bệnh lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời đều gây nên tình trạng nhược thị, khiến thị lực của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

PGS Đức Anh cho biết, trong 3 ngày từ 26 - 29/7, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp cùng Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang có hoàn cảnh khó khăn. Đáng nói, qua đó phát hiện rất nhiều trường hợp bị lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh nhưng không được phát hiện sớm.

Như trường hợp của cô bé 5 tuổi do PGS.TS Hà Huy Tài trực tiếp khám. Cháu bị lác bẩm sinh, mẹ mong muốn trẻ được phẫu thuật chữa lác ngay, tuy nhiên do phát hiện muộn nên chưa thể can thiệp phẫu thuật.

PGS.TS Hà Huy Tài khám cho bệnh nhi bị lác mắt. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Hà Huy Tài khám cho bệnh nhi bị lác mắt. Ảnh: H.Hải

Theo PGS Tài, do phát hiện muộn nên tình trạng nhược thị của trẻ khá nặng. Trước khi can thiệp phẫu thuật, bệnh nhi cần phải trải qua quá trình tập luyện nhược thị, mỗi ngày tập ít nhất 4 - 6 tiếng, bịt bên mắc không bị lác để "tập nhìn" tăng thị lực cho mắt bị lác. Nếu nôn nóng phẫu thuật luôn, sau mổ tỉ lệ lác lại rất lớn.

"Việc phát hiện, điều trị sớm rất quan trọng. Thấy hiện tượng mắt con bị lác nên cho đi khám sớm, chữa tốt nhất khi trẻ 1 - 2 tuổi", PGS Tài nói.

PGS Đức Anh thông tin thêm, trong đợt khám tình nguyện này, bệnh viện lựa chọn chủ yếu bệnh nhi lác, sụp mi, đục thủy tinh bẩm sinh và 1 số dị tật khác ở mắt, phẫu thuật nhân đạo cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.

"Cả 3 bệnh này đều có nguy cơ nhược thị ( nhược thị là tình trạng giảm thị lực của một hoặc hai mắt do mắt không được nhìn khi đang ở lứa tuổi nhỏ). Bệnh nhân mắt lác, dù cả hai mắt mở nhưng chỉ một mắt được nhìn, một mắt lâu không nhìn sẽ kém đi. Còn với sụp mi khiến mi mắt che lấp đồng tử, ánh sáng không vào được mắt gây ảnh hưởng đến thị lực. Đục thủy tinh thể bẩm sinh gây ngăn cản ánh sáng, làm mắt bị nhược thị. Cả 3 bệnh này đều rất cần đến sớm và điều trị sớm", PGS Đức Anh cho biết.

Việc điều trị sớm sẽ giúp trẻ không bị nhược thị. Còn khi trẻ đã lớn, các can thiệp có thể giúp đôi mắt nhìn vẻ ngoài trở lại bình thường, nhưng chức năng thị lực không cải thiện.

Ngoài ra, có những bệnh nhi bị ức chế một mắt, tức là hai mắt trẻ đều mở, tưởng như nhìn bình thường nhưng thực tế trẻ chỉ nhìn bằng một mắt. Hay có những trường hợp không biểu hiện ra ngoài, như mù màu chỉ khi đến viện các bác sĩ mới có các test, phương pháp để phát hiện.

Để phát hiện những bệnh gây nhược thị ở trẻ, đặc biệt là lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh, cha mẹ chỉ cần quan sát là có thể phát hiện sớm, ngay khi trẻ mới sinh, vài tháng tuổi.

Như với mắt lác, bố mẹ quan sát thấy mắt con nhìn không thẳng, nhìn lệch trong hoặc ngoài. Còn với sụp mi, bố mẹ sẽ nhìn thấy một bên mắt trẻ bị sa xuống thấp hơn bên kia hoặc cả hai mắt bị sa xuống, hoàn toàn có thể phát hiện sớm.

Còn với đục thủy tinh bẩm sinh, trẻ có hiện tượng con nhìn kém, không nhìn rõ đồ vật bình thường, đồng tử vốn màu đen lại có màu trắng.

"Các bệnh lý này quan trọng nhất là phát hiện, điều trị sớm để tránh nhược thị", PGS Đức Anh khuyến cáo.

Chương trình phẫu thuật nhân đạo cho gần 100 bệnh nhi bị lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh ở Truyên Quang là một phần trong chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” 2018 do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện.

Gần 100 bệnh nhi ở Tuyên Quang đa phần bị lác mắt, sụp mí, đục thủy tinh thể bẩm sinh... sẽ được khám, phẫu thuật nhân đạo. Ảnh: H.Hải
Gần 100 bệnh nhi ở Tuyên Quang đa phần bị lác mắt, sụp mí, đục thủy tinh thể bẩm sinh... sẽ được khám, phẫu thuật nhân đạo. Ảnh: H.Hải

Được biết trong năm 2017 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí bảo trợ trẻ em các địa phương thực hiện phẫu thuật nhân đạo chữa các bệnh lý, dị tật về mắt cho khoảng 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với mong muốn trẻ có đôi mắt sáng để tiếp tục vui chơi, học tập và hòa nhập cộng đồng, chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương phối hợp cùng các bệnh viện phẫu thuật cho trẻ mắc các bệnh lý về mắt.

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em. Tuy không gây mù mắt nhưng cũng khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.

Hồng Hải