Phát hiện mới về mối liên quan giữa ung thư và nghề nghiệp

(Dân trí) - Vẫn được gọi là phái yếu, những bóng hồng trong lực lượng cứu hỏa không chỉ chịu áp lực nặng nề về mặt thể chất, mà theo chuyên gia họ còn đối mặt với nguy cơ mắc ung thư cao hơn các công việc khác.

Sở cứu hỏa San Francisco hiện đang sở hữu một lực lượng cứu hỏa đặc biệt: 15% người lính cứu hỏa là phụ nữ, vượt trội với tỉ lệ phụ nữ trong lượng này trên toàn nước Mỹ chỉ ở mức 5%.

Phát hiện mới về mối liên quan giữa ung thư và nghề nghiệp - 1

Vẫn được gọi là phái yếu, những bông hồng trong lực lượng cứu hỏa không chỉ chịu những áp lực về mặt thể chất nặng nề hơn so với nam giới, mà theo các chuyên gia họ còn đối mặt với nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Cụ thể, theo số liệu mà Quỹ phòng chống ung thư của lực lượng cứu hỏa San Francisco (SFFCPF), tỉ lệ phụ nữ trong lực lượng này mắc ung thư vú đang tăng lên. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có 5 trường hợp được chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác này.

 Tổ chức này phân tích rằng, phụ nữ trong lực lượng cứu hóa sẽ phơi nhiễm chất độc PFAS nhiều hơn so với phụ nữ làm công việc văn phòng. PFAS thường được dùng trong các lớp phủ chống dầu mỡ hoặc nước trên vải, đồ nội thất hoặc đồ đựng thực phẩm. Trong lĩnh vực cứu hỏa, PFAS xuất hiện trong bọt chữa cháy hoặc thiết bị chống cháy, thoát hiểm. Loại hóa chất này rất khó phân hủy ở ngoài môi trường và cả trong cơ thể chúng ta. PFAS cũng đã được chứng minh là có mối liên quan đến nhiều căn bệnh ung thư, cũng như khả năng làm suy yếu hệ miễn dịch, chức năng nội tiết.

Phát hiện mới về mối liên quan giữa ung thư và nghề nghiệp - 2

PFAS thường được dùng trong các lớp phủ chống dầu mỡ hoặc nước trên vải, đồ nội thất hoặc đồ đựng thực phẩm.

Một nghiên cứu được đăng tải mới đây trên tạp chí khoa học “Environmental Science and Technology” cũng đã khẳng định về rủi ro ung thư vú, đối với những phụ nữ làm công việc đặc thù này.

Cụ thể, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành lấy mẫu máu của 86 nữ chiến sĩ cứu hỏa và 84 nữ nhân viên văn phòng, để so sánh về mức độ nhiễm PFAS. Cùng với đó, họ cũng thu thập thêm các thông tin liên quan đến nguồn phơi nhiễm PFAS như: Nơi làm việc, thói quen ăn uống, thói quen tiêu dùng…

Kết quả đã chỉ ra rằng, trong số 12 loại PFAS được tiến hành xét nghiệm, có 3 loại được phát hiện ở hàm lượng cao đáng kể ở nhóm lính cứu hỏa so với nhóm nhân viên văn phòng là: PFHxS, PFUnDA, và PFNA.

Từ những gì thu được trong nghiên cứu này, nhóm tác giả dự định sẽ xây dựng bộ giải pháp nhằm hạn chế những yếu tố nghề nghiệp đặc thù, làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ tham gia lực lượng cứu hỏa. Đồng thời, phát triển thêm các nhánh nghiên cứu về yếu tố nguy cơ trong nghề nghiệp có liên quan đến căn bệnh ung thư.

Minh Nhật

Theo ohsonline