Phạt đến 100 triệu hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, có hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm bị phạt đến 100 triệu đồng.
Cụ thể, nghị định quy định rõ, có nhiều mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về ATVSTP. Theo đó, có thể phạt cảnh cáo, phạt tiền với mức phạt tối đa của một hành vi vi phạm về ATTP là 100 triệu đồng.
Ngoài ra, sẽ có hình thức phạt bổ sung tùy theo mức độ vi phạm. Trong đó có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhân cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy;... tịch thu tang vật, phương tiện để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm… Với hình thức phạt bổ sung này có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 6 - 9 tháng, thậm chí đến 12 tháng tùy mức độ vi phạm.
Nghị định quy định mức phạt chi tiết về các hành vi vi phạm thực phẩm. Ảnh minh họa: H.Hải
Bên cạnh đó, nghị định cũng hướng dẫn rõ về mức sử phạt sai phạm về sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Cụ thể, phạt từ 3-5 triệu đồng hành vi sử dụng thịt chưa qua kiểm dịch thú y. Phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm
Mức phạt trên cũng áp dụng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nhưng vượt quá giới hạn cho phép.
Phạt tiền từ 15 - 20 triệu với hành vi sử dụng thịt động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Dùng phụ gia trôi nổi, phạt nặng
Nghị định quy định, phải phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến có chứa chất độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Phạt nặng hành vi sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm
Đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.
Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt từ 30 - 50 triệu đồng thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100 triệu đồng.Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 9 - 12 tháng trong trường hợp tái phạm.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định chi tiết về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mọi hành vi vi phạm liên quan đến việc thực phẩm bày trên thiết bị không hợp vệ sinh, không có dao, thớt riêng cho thực phẩm sống, chín… đều sẽ bị xử phạt.
Quảng cáo sai, phạt nặng
Những hình thức quảng cáo thực phẩm mà không có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, không có Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy… thì sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh, quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ có tác dụng bằng hoặc tốt hơn so với sữa mẹ… sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Với những sai phạn liên quan đến quảng cáo thực phẩm, ngoài phạt tiền còn có thể phạt bổ sung bằng cách tước quyền sử dung Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 3 - 6 tháng tùy hành vi vi phạm.
Đánh giá về nghị định này, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩmc ho rằng, nghị định là một công cụ quản lý chặt về an toàn thực phẩm. Bởi mức xử phạt rất cao, tăng lên cao gấp 3 - 5 lần so với hiện nay. Thậm chí Luật ATTP cho phép phạt gấp 7 lần (hành vi vi phạm mang tính chất tăng nặng). “Nghị định với những quy định cụ thể, chi tiết trong sai phạm về quảng cáo, thậm chí cho phép phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, chắc chắn thời gian tới, việc kiểm soát quảng cáo các loại thực phẩm sẽ chặt chẽ hơn”, ông Phong nhận định.
Tú Anh